Giảm thuế, góp phần giúp báo chí phát triển

|

Thời gian qua, việc các cơ quan truyền thông lên tiếng về dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi không phù hợp với hoạt động của các cơ quan báo chí, là có cơ sở. Phải thấy thực tế hiện nay, kinh tế của các cơ quan báo chí hết sức khó khăn. Báo in thì số lượng phát hành sụt giảm, trong khi báo điện tử phải cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng mạng xã hội khác.

Trước đây, khi góp ý về dự thảo Luật Thuế TNDN từ các cơ quan chuyên ngành, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT-TT, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đều thống nhất đề xuất giảm mức thuế về 10% cho tất cả các loại hình báo chí là báo in, điện tử, phát thanh truyền hình.

Lý do, đầu tiên là nguồn thu quảng cáo trên báo in bị sụt giảm rất nhiều, nguồn thu đến từ các nền tảng khác là chủ lực. Nếu giảm được mức thuế này, các cơ quan báo chí có thêm nguồn lực cho đầu tư - phát triển cũng như góp phần đảm bảo đời sống cho người lao động.

Hiện nay, các cơ quan báo chí của chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Để làm được nhiệm vụ đó, các cơ quan báo chí phải có nguồn lực đủ mạnh: nhân lực, tài lực, cơ sở vật chất… Trong đó, thuế là một yếu tố quan trọng tác động lớn đến nguồn thu nhập của các cơ quan báo chí. Nếu tăng thuế, sẽ tiết giảm nguồn lực đó; ngược lại khi giảm thuế, nguồn lực sẽ tăng lên, cơ hội đầu tư cho báo chí tốt hơn, góp phần làm tăng thêm hiệu quả công tác tuyên truyền.

Trong xu hướng phát triển hiện nay, xa lộ thông tin đã xuất hiện rất nhiều nền tảng và thay đổi liên tục, các cơ quan báo chí phải thay đổi để bắt kịp xu hướng và chủ động sáng tạo trong tuyên truyền, đó là đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tái đầu tư… Muốn làm được điều này, phải có kinh phí.

Trong điều kiện kinh phí nhà nước còn eo hẹp, các cơ quan báo chí phải tiến hành xã hội hóa, qua đó tăng thêm nguồn lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu những nỗ lực tạo thêm nguồn thu này bị điều tiết bởi sắc thuế, thì thật sự chưa phù hợp.

Về tự thân, các cơ quan báo chí phải thay đổi để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, đặc biệt là chuyển đổi số. Hiện nay các cơ quan báo chí đang đẩy mạnh theo chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ. Hội Nhà báo Việt Nam đang tích cực triển khai hai nội dung chính là đào tạo nguồn nhân lực và hạ tầng số. Cả hai vấn đề này đều phải sử dụng nhiều nguồn lực, trong đó sử dụng nguồn lực tại chỗ và nguồn lực của Nhà nước thông qua cơ chế chính sách đặt hàng hỗ trợ và xã hội hóa.

Rõ ràng, muốn nâng cao nguồn nhân lực thì phải bồi dưỡng, đào tạo; còn hạ tầng số bao gồm đường truyền cho đến phần mềm, các thiết bị, an ninh mạng… tất cả đều cần kinh phí. Do vậy, cần có góc nhìn tổng thể và giải pháp ứng xử phù hợp, trong đó có vấn đề liên quan đến thuế.