Mạnh tay giảm thuế cho cơ quan báo chí

|

Trong bối cảnh nguồn thu ngày càng khó khăn, các cơ quan báo chí đã nỗ lực tìm nhiều cách để duy trì hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Thiết nghĩ, các ngành chức năng nên sớm xem xét, áp dụng một mức thuế suất ưu đãi hợp lý hơn để thực sự hỗ trợ được cơ quan báo chí.

Báo chí không thể giống doanh nghiệp

Dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quy định, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in được áp dụng thuế suất là 10%, trong khi các hoạt động khác áp dụng thuế suất 15%. Đây là các mức thuế ưu đãi hơn so với quy định hiện hành (báo in áp thuế 10%, các hoạt động khác áp thuế 20%). Tuy nhiên, qua trao đổi với lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí, mức thuế suất ưu đãi này trong bối cảnh hiện tại là chưa thỏa đáng, không có nhiều ý nghĩa.

Hội Báo toàn quốc năm 2024 tại TPHCM thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và giới báo chí. Ảnh: Hoàng Hùng

Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM Lý Việt Trung chia sẻ, nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan báo chí vẫn là nhiệm vụ chính trị. Việc cơ quan báo chí làm ra doanh thu nhằm nuôi bộ máy thực hiện nhiệm vụ chính trị, chứ không phải vì mục tiêu cao nhất là lợi nhuận, nộp ngân sách càng nhiều càng tốt như doanh nghiệp. Nhà báo Lý Việt Trung cho biết, hiện nay, cơ quan báo chí buộc phải có những hoạt động khác để bù đắp nguồn thu của báo in, như cho thuê tòa nhà, làm truyền thông sự kiện cho các đơn vị...

Lãnh đạo một cơ quan báo chí khác tại TPHCM cũng nhìn nhận, nhiệm vụ của báo chí hiện nay là nhiệm vụ chính trị, vai trò của báo chí rất lớn trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị cũng phát sinh chi phí. Do vậy, việc cơ quan báo chí được tính thuế như doanh nghiệp bình thường là không công bằng.

Báo chí tác nghiệp tại buổi tập huấn tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 ở Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Quy định hiện nay (hay theo dự thảo Luật Thuế TNDN) có sự phân chia mức thuế suất giữa báo in với các loại hình báo chí khác cũng không ổn. Đơn cử, có những nội dung đã đăng trên báo in rồi đăng lại trên báo điện tử, giữa các loại hình do đó có sự giao thoa lẫn nhau. Việc phân loại như vậy cũng phần nào làm khó cơ quan thuế. Do vậy, thống nhất áp dụng một mức thuế 10% cho tất cả lợi nhuận phát sinh từ các hoạt động của cơ quan báo chí là hợp lý.

Báo in lỗ, vẫn được… ưu đãi thuế

Chính vì không giống doanh nghiệp thuần túy, nên theo lãnh đạo các cơ quan báo chí, việc áp Thuế TNDN đối với cơ quan báo chí cũng nên được xem xét thỏa đáng.

Theo nhà báo Lý Việt Trung, dự thảo luật quy định ưu đãi Thuế TNDN với hoạt động báo in ở mức 10%, nhưng thực tế báo in hiện nay đang lỗ, không có lợi nhuận để đóng thuế. Hiện nguồn thu của cơ quan báo chí chủ yếu đến từ các hoạt động khác, mà lợi nhuận cũng không nhiều - và phải đóng thuế suất 20%, nghĩa là cơ quan báo chí được xem là doanh nghiệp bình thường. Mức thuế giảm từ 20% còn 15%, dù đã ưu đãi hơn, cũng chưa thỏa đáng, nên cần được xem xét ở mức hợp lý hơn.

Nhân viên phát hành Báo Sài Gòn Giải Phóng phân phối báo mới in đến các đại lý mỗi ngày. Ảnh: Hoàng Hùng

Trong khi đó, nhìn lại “lịch sử” của việc ưu đãi thuế cho cơ quan báo chí, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Đinh Minh Trung cho biết, Luật Thuế TNDN năm 2008 không có điều khoản ưu đãi thuế cho cơ quan báo chí. Sau đó, sự bùng nổ của mạng xã hội, kéo theo cách thức truyền thông của các doanh nghiệp, công ty quảng cáo thay đổi, khiến báo chí gặp nhiều khó khăn, sụt giảm phát hành và thu nhập.

Năm 2013, Luật Thuế TNDN sửa đổi quy định thu nhập từ quảng cáo, phát hành báo giấy được áp thuế 10%, cũng là một ưu đãi đáng mừng ở thời điểm đó. Tuy nhiên, từ năm 2013 về sau, báo in tiếp tục đi xuống, thu nhập từ quảng cáo và số lượng phát hành giảm sâu. Bên cạnh đó, mạng xã hội, báo điện tử phát triển nhanh chóng, các nguồn quảng cáo cũng chảy về những nền tảng này. Việc ưu đãi thuế 10% cho báo in hầu như không còn ý nghĩa, vì thu nhập mảng này không còn bao nhiêu.

“Tất cả các nguồn thu của cơ quan báo chí, nếu có, đều áp dụng mức thuế suất 10%, sẽ có ý nghĩa thực sự với cơ quan báo chí. Việc tháo gỡ chính sách từ Quốc hội sẽ giúp cơ quan báo chí có nguồn lực chi cho hoạt động thường xuyên, chăm lo đội ngũ, tái đầu tư”, ông Đinh Minh Trung đề xuất.

Theo Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Bùi Thanh Liêm, sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội đã làm nguồn thu các cơ quan báo chí giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp, công ty quảng cáo đã và đang tìm đến những phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng - quảng cáo trên không gian số, hiệu quả hơn quảng cáo trên báo chí như trước.

Điều đó buộc các cơ quan báo chí tái cấu trúc, đầu tư cho công nghệ số, dữ liệu số, truyền hình số trên các nền tảng mạng Facebook, YouTube…, để tiếp cận nhiều hơn với độc giả, tăng nguồn thu. Do vậy, báo điện tử và các hoạt động truyền thông khác đang phải “gánh” việc tạo ra nguồn thu mới. Việc đặt ra vấn đề giảm Thuế TNDN cho tất cả các loại hình báo chí còn 10% là thực sự cần thiết và phù hợp.

Bà BÙI THỊ HỒNG SƯƠNG, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP:

Nên được khấu trừ toàn bộ Thuế GTGT đầu vào

Với cơ quan báo chí, nên áp dụng chung một mức thuế suất và được bù trừ qua lại cho tất cả các hoạt động của cơ quan báo chí (phát hành báo in, quảng cáo, tuyên truyền trên báo in, báo điện tử, hoạt động tài trợ, tổ chức sự kiện, hoạt động tài chính, hoạt động khác…) trừ hoạt động cho thuê tài sản công theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng tài sản công. Cụ thể, mức thuế suất cho báo in là 5%, còn mức thuế suất cho các hoạt động khác (kể cả hoạt động cho thuê mặt bằng) là 10%.

Trường hợp cơ quan báo chí tự đảm bảo chi phí thường xuyên thì được phép chi trả tiền lương, tiền công tăng thêm cho cán bộ, phóng viên, công nhân viên theo quỹ lương xây dựng hàng năm và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, có chứng từ chứng minh việc chi trả, được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu Thuế TNDN.

Hay nói cách khác là được phép chi trả lương, thu nhập cho cán bộ, phóng viên, công nhân viên như mô hình doanh nghiệp với điều kiện tự đảm bảo cân đối thu chi. Trường hợp này, cần bổ sung vào quy định để đảm bảo thống nhất giữa nghị định, thông tư và các văn bản có liên quan nhằm đảm bảo không bị vi phạm quy định khi có các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra hoặc kiểm toán nhà nước.

Bên cạnh Thuế TNDN, hiện nay, Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào được khấu trừ theo tỷ lệ doanh thu chịu thuế và doanh thu không chịu thuế, do hoạt động phát hành báo in không chịu Thuế GTGT; hoạt động quảng cáo, tài trợ, khác phải chịu Thuế GTGT là 8%; phần Thuế GTGT không được khấu trừ phải tính vào chi phí, gây tăng chi phí, giảm chênh lệch thu chi, ảnh hưởng đến hoạt động chung của đơn vị. Do đó, Báo SGGP đề xuất cơ quan báo chí tự đảm bảo chi phí thường xuyên được khấu trừ toàn bộ Thuế GTGT đầu vào.