Hiện thực hóa Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ: Những bước đi từ TPHCM

|

Trải qua nửa thế kỷ của một mối quan hệ có tính “duyên nợ lịch sử”, ngày nay, đặc biệt trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, Việt Nam mong muốn xây dựng một cách “công bằng” và “cân bằng” hơn trong xuất khẩu và nhập khẩu.

Trong phát biểu chính sách tại Đại học Columbia vào tháng 9 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có nêu “Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2023 đã xác định rõ 10 trụ cột hợp tác toàn diện và quan trọng. Nhiệm vụ của chúng ta là quyết tâm hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác đó, nhất là các lĩnh vực đóng vai trò nền tảng cốt lõi như hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo và đột phá mới của quan hệ như hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số”. Đó như là một “mệnh lệnh” toàn diện và xuyên suốt trong cả hệ thống, các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay.

Một mặt, chúng ta vẫn tiếp tục công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để nâng cao hiệu quả bộ máy; mặt khác thúc đẩy phát triển và cải cách kinh tế theo hướng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập ngày một sâu rộng hơn với thế giới, trong đó có Đối tác Chiến lược toàn diện Hoa Kỳ.

Trải qua nửa thế kỷ của một mối quan hệ có tính “duyên nợ lịch sử”, ngày nay, đặc biệt trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, Việt Nam mong muốn xây dựng một cách “công bằng” và “cân bằng” hơn trong xuất khẩu và nhập khẩu. Đơn cử, Việt Nam đang tỏ rõ trách nhiệm thực thi hơn trong việc làm rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam để việc xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ được minh bạch, thuận lợi.

Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đang khiến hàng hóa Việt xuất khẩu sang Hoa Kỳ chịu mức thuế cao. Lại là một trong số 5 quốc gia và lãnh thổ có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ cộng với làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia láng giềng nên Việt Nam đang đối diện không ít sức ép. Vì thế, một hệ giải pháp phù hợp và khả năng ứng phó minh bạch, cẩn trọng là cách Việt Nam đang triển khai để duy trì lòng tin với đối tác Hoa Kỳ.

Về mặt đầu tư, Việt Nam xem các quá trình chuyển dịch những chuỗi cung ứng và các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm Việt Nam là động lực quan trọng để thúc đẩy các ngành sản xuất trọng điểm và tái cấu trúc nền kinh tế. Chính phủ tập trung tháo gỡ các vướng mắc đang hiện hữu với các nhà đầu tư, đồng thời ở cấp độ địa phương, TPHCM đang vận dụng tối đa Nghị quyết số 98 với nhiều chính sách ưu đãi, mà cơ chế đầu tư rút gọn - đầu tư nhanh (fast track) là một ví dụ để quy trình, thủ tục giấy tờ nhanh, minh bạch và thông thoáng nhất có thể.

“Số” và “xanh” đang là 2 lựa chọn chính của Chính phủ. Với 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và thúc đẩy người dân, doanh nghiệp tham gia vào các nền tảng xã hội để kết nối, tương tác, trao đổi các vấn đề mình quan tâm và thúc đẩy các mục tiêu xã hội khác nhau cho cộng đồng.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đang rà soát lại hệ thống năng lượng quốc gia để giải quyết các vấn đề hiện hữu và xây dựng lộ trình về phát triển năng lượng tái tạo, tập trung vào điện mặt trời áp mái với sự tham gia của toàn xã hội, nhất là ở các đô thị lớn như TPHCM.

Khi đã xác định “giáo dục là nền tảng phát triển lâu dài của 2 quốc gia” Việt Nam và Hoa Kỳ thì rất cần tập trung xây dựng một hợp tác vào các lĩnh vực chiến lược mà cả hai có cùng điểm chung, như công nghệ bán dẫn, công nghệ số, trung tâm tài chính, thúc đẩy những vấn đề xã hội - nhân văn mang tính gắn kết hai nền văn hóa và cộng đồng lại gần với nhau hơn.

Trong những năm qua, nhiều kết quả đang ghi nhận như chương trình hợp tác giữa USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) hỗ trợ nâng cao năng lực cho 2 Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Đà Nẵng, phát triển Đại học Fulbright tại TPHCM với nhiều kết quả. Những điểm sáng này rất cần được nhân rộng và phát huy hơn nữa.

Một vấn đề quan trọng nữa, đó là sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng các quy hoạch sẽ được đặt trong vị trí trung tâm. Do đó, cần nhiều cơ chế nhằm đáp ứng sự tiếp cận hai chiều và nhất là để doanh nghiệp (trong đó có cả các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI), nhà khoa học, người dân tham gia góp ý, đề xuất thậm chí định hình các định hướng chiến lược chung, lẫn chính sách cụ thể.

Đây không những là cách tạo nên sự đồng thuận xã hội hiệu quả, mà còn giúp tăng hiệu năng của chính sách, của quy hoạch khi đưa vào thực thi trong thực tế. Đó cũng là những bước đi cụ thể mà các diễn đàn, gặp mặt, trao đổi của TPHCM với đối tác, những người bạn Hoa Kỳ trong tháng 10, tháng 11-2024 đang đem lại.