Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

|

Cùng với việc bùng nổ thương mại điện tử những năm qua, số thu thuế từ hoạt động TMĐT ở Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2024, thu hơn 78.000 tỷ đồng. Dự báo trong năm nay, thu thuế từ hoạt động TMĐT sẽ lần đầu cán mốc 100 tỷ đồng.

Hiện nay, việc thu thuế đối với các sàn TMĐT được thực hiện theo Nghị định 91/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Cụ thể, chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT. Các thông tin gồm tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc căn cước công dân, hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, doanh thu bán hàng …. Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Theo quy định, cá nhân kinh doanh có thu nhập năm từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế áp dụng cho cá nhân bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng) là 1,5% tính trên doanh thu, gồm 1% thuế suất giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập cá nhân. Tại dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất sàn TMĐT khai, nộp thuế thay người bán hàng trên sàn. Nội dung dự thảo này còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, song theo kinh nghiệm được World Bank và OECD chia sẻ thì đây là biện pháp hữu hiệu để quản lý thuế TMĐT.

Việc sàn TMĐT Temu ồ ạt vào Việt Nam, bán hàng rầm rộ trong cả tháng qua nhưng thực tế họ vẫn chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam gây lo ngại về lỗ hổng lớn trong quản lý và thất thu thuế. Ngoài việc buộc các sàn TMĐT như Temu chấp hành nghiêm pháp luật về thuế tại Việt Nam, các ý kiến chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết bãi bỏ quy định miễn thuế với hàng hóa nhỏ lẻ. Cụ thể, theo Quyết định 78/2010, Chính phủ cho phép hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và miễn thuế VAT đầu vào (khâu nhập khẩu).

Tuy nhiên, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách khi thẩm tra dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) cho hay, với sự bùng nổ của TMĐT xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa giá trị nhỏ xuyên biên giới tăng lên rất nhanh. Ông dẫn số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông (VNPT) cho biết, trong tháng 3-2023, mỗi ngày trung bình có 4-5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, trong đó giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ 100.000-300.000 đồng. Bình quân mỗi ngày giá trị hàng luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, TikTok… khoảng 45-63 triệu USD và một tháng là 1,3-1,9 tỷ USD. Theo các chuyên gia, nên bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ nhằm bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Ai thu thuế thương mại điện tử?