Sàn thương mại điện tử Việt bị... “đè bẹp”!

|

Hai sàn thương mại điện tử (TMĐT) có yếu tố Việt Nam gồm Sendo và Tiki đang “sống” khá chật vật khi chiếm chưa tới 1% thị phần, trong khi các sàn TMĐT nước ngoài như Shopee, Lazada… “sống khỏe”. Nghịch lý này tồn tại nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để vực dậy các sàn TMĐT trong nước.

Giao nhận hàng hóa từ kênh thương mại điện tử tại khu dân cư The Peak Midtown, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cuộc đua “đốt tiền”

Sáng sớm mỗi ngày, anh Nguyễn Đức Chí (ngụ tại quận 3, TPHCM) có thói quen “săn” hàng trên các sàn TMĐT quen thuộc. Theo anh Chí, hàng hóa từ sàn TMĐT ngoại khá hấp dẫn, phong phú chủng loại, mẫu mã nên người tiêu dùng rất khó kiềm lòng! “Mỗi tháng, gia đình tôi mua hàng chục đơn hàng trên Shopee. Họ có rất nhiều cách để giữ chân khách, như hoàn tiền sớm trong 24 giờ nếu khách không thích món hàng. Chưa kể, độ phủ sóng quảng cáo của sàn này cũng tràn ngập. Phải thừa nhận chất lượng dịch vụ ổn, khuyến mãi nhiều, giá cạnh tranh…”, anh Chí nói. Tương tự, chị Mai Thu Lụa (ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ, quần áo thời trang trên các sàn TMĐT nước ngoài rất phong phú, đa dạng, giá phải chăng nên rất dễ mua. Đó chính là lợi thế lớn so với sàn TMĐT trong nước.

Câu chuyện các sàn TMĐT mới xuất hiện ở Việt Nam như Temu, Shein, Taobao… “dậy sóng” với mức khuyến mãi siêu hấp dẫn không quá mới lạ. Theo các doanh nghiệp, đây là cuộc đua “đốt tiền”. Sự đuối sức của Tiki như một điển hình sau gần 14 năm hoạt động. Được biết, VNG rót vốn vào Tiki từ đầu năm 2016 khoảng 384 tỷ đồng, tương đương 38% quyền sở hữu; sau đó tỷ lệ này giảm dần và chỉ vài năm sau số vốn này gần như mất sạch do chịu phần lỗ từ công ty liên kết (tương ứng với tỷ lệ sở hữu)… Với Sendo, đây là một dự án thuộc Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) được thành lập cách nay 12 năm. Báo cáo tài chính giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc vào ngày 30-6-2024 của FPT Online cho thấy, khoản đầu tư vào Công ty CP Sen Đỏ còn hơn 3,68 tỷ đồng, chiếm 3,29% tỷ lệ vốn và quyền biểu quyết tại Sen Đỏ. Dữ liệu tại Vietdata cũng chỉ ra rằng, năm 2023, Sendo đạt doanh thu thuần gần 290 tỷ đồng, nhưng lỗ sau thuế 450 tỷ đồng.

Ước tính từ các doanh nghiệp, để lấy được 1% thị phần TMĐT cần chi ra tối thiểu 6 triệu USD/năm và đây chính là sức ép khủng khiếp với các doanh nghiệp khởi nghiệp đang trong quá trình gọi vốn. Ngược lại, các sàn TMĐT nước ngoài vẫn sống ung dung, cạnh tranh tốt tại thị trường Việt Nam do nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các tập đoàn mẹ.

Bảo vệ người mua, rà “lỗ hổng” thuế…

Bà Lê Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tatinta (vận hành sàn du lịch Tatinta) đánh giá, trong bối cảnh các sàn TMĐT nước ngoài hoạt động rầm rộ như hiện nay, doanh nghiệp phải tìm cách “chung sống” và có hướng đi riêng. Tuy vậy, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể hơn để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Trong đó, cần giám sát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu từ các sàn TMĐT chưa tuân thủ quy định pháp luật nước ta; tăng cường tuyên truyền đến người tiêu dùng hiểu về những rủi ro khi mua sắm trực tuyến xuyên biên giới…

Tiểu thương chợ An Đông (TPHCM) livestream bán quần áo trên mạng xã hội

Theo Bộ Công thương, hoạt động TMĐT ở Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, phủ sóng toàn quốc nhưng kèm theo vi phạm cũng ngày càng nhiều ở cả 63 tỉnh, thành phố. Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (QLTT) thuộc Tổng cục QLTT nhận định, các đối tượng đang lợi dụng lỗ hổng trong vận chuyển hàng hóa để trà trộn hàng vi phạm, trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Gần đây, lực lượng chức năng tại các địa phương đã phát hiện và xử lý hàng loạt vụ vi phạm về hàng hóa tiêu thụ thông qua TMĐT, nhiều nhất là hàng giả mạo, không hóa đơn, chứng từ… Điển hình là các vụ vi phạm xảy ra trên sàn TMĐT cũng như mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok…). Các cơ quan chức năng ước tính, hàng trăm tỷ đồng tiền thuế đã không được thu hồi do các hoạt động bán hàng không khai báo hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhập lậu.

Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng, việc quản lý giao dịch qua TMĐT đòi hỏi hệ thống công nghệ thông tin mạnh mẽ, đồng thời cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và quy định về thuế xuất nhập khẩu. Còn ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thừa nhận, sự phát triển nhanh chóng của TMĐT đòi hỏi xây dựng một khung pháp lý đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi các bên tham gia. Tuy nhiên, ông Kiên đề nghị, các quy định cần đảm bảo tính đồng bộ từ quy trình khai báo hải quan điện tử, kê khai thuế đến thanh toán và kiểm soát chất lượng hàng hóa. Khuôn khổ quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia, nhưng cũng cần đảm bảo yêu cầu về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phòng chống gian lận thương mại xuyên biên giới.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Nền tảng số liệu TMĐT tại Việt Nam (Metric) cho thấy, năm 2023, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tổng doanh thu gần 498.900 tỷ đồng. Trong số đó, doanh thu từ các nền tảng lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop là 233.200 tỷ đồng. Dự báo năm 2024, doanh thu từ 5 nền tảng trên đạt 301.300 tỷ đồng (tương đương 12,4 tỷ USD). Đến năm 2025, tổng doanh thu của thị trường TMĐT Việt Nam là 947.700 tỷ đồng, tương đương 39 tỷ USD.

Sàn thương mại điện tử: “Cú sốc” mang tên Temu