TPHCM và Thụy Điển đẩy mạnh hợp tác phát triển công nghiệp bền vững

|

Sáng 9-9 (giờ địa phương), đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM do đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM làm trưởng đoàn đã bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Thụy Điển.

Tham gia cùng đoàn còn có các đại biểu: Phạm Quỳnh Anh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM; Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM; Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM; Đỗ Thị Minh Quân, Chánh Văn phòng HĐND TPHCM; Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM; Huỳnh Khắc Điệp, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân; Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh; Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM; Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM; Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM.

Mở đầu chuyến thăm và làm việc tại Thụy Điển, đoàn đã đến thăm và làm việc với Công ty Syre và chào xã giao Bộ Ngoại giao Thụy Điển.

Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao

Tại Bộ Ngoại giao Thụy Điển, tiếp đoàn, Thứ trưởng Hợp tác Phát triển quốc tế và Ngoại thương Thụy Điển Hakan Jevrell, nhận xét, Việt Nam là đối tác quan trọng của Thụy Điển trong khu vực châu Á; đồng thời mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương.

Đoàn đại biểu HĐND TPHCM thăm và làm việc tại Bộ Ngoại giao Thụy Điển. Ảnh: THU HƯỜNG

Chia sẻ với đoàn, ông Hakan Jevrell cho biết, là quốc gia có nhiều công nghệ tiên tiến, Thụy Điển luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là TPHCM trong phát triển bền vững trên các lĩnh vực thế mạnh. Ông Hakan Jevrell khẳng định sẽ tạo điều kiện và kết nối để doanh nghiệp Thụy Điển tiếp cận và tìm hiểu thị trường TPHCM; tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai bên.

Trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ mong muốn chuyến thăm sẽ góp phần vun đắp và củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Theo đồng chí, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Thụy Điển (1969 -2024). Đồng chí bày tỏ vui mừng với sự quan tâm và thúc đẩy tích cực giữa lãnh đạo các cấp hai nước, từ đó đã đưa quan hệ song phương ngày càng đi sâu vào thực tiễn với đa dạng các lĩnh vực. Trong đó, quan hệ TPHCM - Thụy Điển phát triển ngày càng tích cực, nhất là trong hoạt động trao đổi đoàn.

Nhắc đến các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo TPHCM và Thụy Điển dành cho nhau, trong đó có chuyến thăm của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải, đồng chí mong muốn từ các chuyến thăm sẽ kết nối bền chặt hơn các quan hệ hợp tác cùng phát triển.

Đoàn đại biểu HĐND TPHCM làm việc với Bộ Ngoại giao Thụy Điển. Ảnh: THU HƯỜNG

Chủ tịch HĐND TPHCM cũng dành thời gian để chia sẻ với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển về thế mạnh của TPHCM. Đồng chí nhấn mạnh, TPHCM là trung tâm kinh tế - văn hóa – giáo dục – khoa học kỹ thuật và là đầu mối giao thương của Việt Nam và khu vực. TPHCM hướng tới thúc đẩy các lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi công nghiệp theo hướng bền vững. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận quan hệ hai bên còn nhiều tiềm năng phát triển; đồng thời khẳng định thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với quốc gia Bắc Âu và các nền kinh tế tiên tiến, công nghệ hiện đại, trong đó có Thụy Điển.

Chủ tịch HĐND TPHCM mong muốn thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như công nghiệp công nghệ cao (đặc biệt là sản xuất bán dẫn, chip), nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực.

Trên cơ sở các trao đổi, cam kết của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM tại Thụy Điển, TPHCM đang mong muốn nghiên cứu thúc đẩy các chương trình hợp tác kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm với cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển.

“Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự quan tâm, thúc đẩy của Bộ Ngoại giao đối với các nội dung hợp tác này. TPHCM cũng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia và đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên của thành phố, đó cũng là thế mạnh của Thụy Điển như khoa học công nghệ, công nghiệp bền vững, công nghệ môi trường…”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ bày tỏ và gợi mở.

Đồng chí cũng đề xuất hai bên tận dụng thế mạnh về vị trí chiến lược của nhau cũng như phát huy Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) nhằm đẩy mạnh hợp tác thương mại.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tặng quà lưu niệm đến Thứ trưởng Hợp tác Phát triển quốc tế và Ngoại thương Thụy Điển Hakan Jevrell. Ảnh: THU HƯỜNG

“Chính quyền TPHCM sẵn sàng và mong muốn thắt chặt quan hệ với Thụy Điển, qua đó góp phần đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, phát huy được thế mạnh của mỗi bên để cùng phát triển”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ khẳng định.

Nhiều chính sách để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển

Trước đó, đoàn đã thăm và làm việc tại Công ty Syre. Tiếp đoàn, bà Stina Billinger, Giám đốc Bền vững và quan hệ công chúng, nguyên Thứ Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và đổi mới sáng tạo, đại diện Công ty Syre cho biết, Syre là công ty tái chế vải sợi công nghệ cao với quy mô lớn.

Công ty hướng tới chuyển đổi chuỗi giá trị từ một hệ thống tuyến tính sang hệ thống tuần hoàn, bằng cách sử dụng chất thải dệt nhiều lần để tạo ra các sản phẩm polyester tuần hoàn chất lượng cao, bền vững vượt trội so với polyester gốc dầu mỏ. Hiện công ty đang nghiên cứu khả năng đầu tư 500 -700 triệu USD để xây dựng nhà máy tái chế polyester tại Việt Nam, trong đó ưu tiên nghiên cứu và tìm hiểu môi trường đầu tư tại TPHCM.

Các đại biểu HĐND TPHCM làm việc với Công ty Syre. Ảnh: THU HƯỜNG

Đại diện Công ty Syre cũng đề cập đến những mong muốn từ phía Việt Nam để việc đầu tư xây dựng nhà máy được thuận lợi và nhanh chóng. Trong đó, mong muốn có cơ chế để nhập khẩu nguyên liệu đầu vào; tiếp cận năng lượng sạch; có vị trí thuận lợi để xuất nhập khẩu hàng hóa và được hỗ trợ nhanh chóng về mặt thủ tục hành chính.

Từ định hướng của công ty, các đại biểu HĐND TPHCM cũng đã đặt nhiều câu hỏi, đồng thời hai bên thảo luận để làm rõ về quy trình, sản phẩm của Công ty Syre.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TPHCM bày tỏ vui mừng khi biết Công ty Syre có ý định đầu tư vào Việt Nam, trong đó quan tâm đặc biệt tới môi trường đầu tư tại TPHCM. Đồng chí nhận xét đây là lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển xanh và bền vững của TPHCM và thành phố có những điều kiện thuận lợi để công ty đầu tư, phát triển trong khu vực và toàn cầu. Trong đó, TPHCM là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày nổi tiếng thế giới. TPHCM còn là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng công nghiệp lớn nhất cả nước, là trung tâm kết nối vùng và là đầu mối giao thương quốc tế. Thành phố đang tích cực hoàn thiện các dự án hạ tầng lớn để cải thiện kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ thông tin đến đại diện Công ty Syre về những điều kiện thuận lợi khi đầu tư tại TPHCM. Ảnh: THU HƯỜNG

Đặc biệt, TPHCM đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi vượt trội theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, cho phép TPHCM thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí khẳng định với cơ chế này, sẽ hỗ trợ rất lớn trong tháo gỡ các vấn đề mà Công ty Syre đang quan tâm và mong muốn.

“Chúng tôi đã sẵn sàng chào đón Công ty Syre đến đầu tư và hợp tác phát triển tại TPHCM”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh và giao Sở Ngoại vụ TPHCM làm đầu mối để kết nối với Công ty Syre khi đến thành phố để tìm hiểu và đầu tư.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tặng quà đến đại diện Công ty Syre

Thụy Điển là nước phương tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (năm 1969). Đây cũng là nước có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất. Năm 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lập Phòng thông tin tại Stockholm (Thụy Điển). Riêng TPHCM và Thụy Điển có nhiều mối quan hệ hợp tác phát triển. Về thương mại, kinh ngạch thương mại hai bên đạt khoảng 98 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 52 triệu USD, nhập khẩu đạt 46 triệu USD. Về đầu tư, Thụy Điển có 48 dự án đầu tư với số vốn trên 269 triệu USD, đứng thứ 18/122 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại TPHCM, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, thông tin và truyền thông, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Đặc biệt, TPHCM hiện có 8 văn phòng đại diện thương nhân Thụy Điển.