TPHCM: Tín dụng bất động sản tăng đều ở các phân khúc

|

Trong bối cảnh hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, các giải pháp đồng bộ để các thị trường, trong đó có thị trường bất động sản duy trì ổn định, tăng trưởng và phát triển có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Chiều 5-9, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, tính đến cuối tháng 7-2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS) trên địa bàn đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, (1,019 triệu tỷ đồng), chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,5% so với cuối năm 2023.

Con số này cao hơn mức tăng chung của tín dụng trên địa bàn, 7 tháng đầu năm tín dụng tại TPHCM tăng 3,9%. Cụ thể hơn, tín dụng BĐS 7 tháng tại TPHCM tăng tích cực, tháng sau tăng cao hơn tháng trước do tín dụng nhà ở (gồm nhà ở xã hội; nhà ở thương mại; nhà ở khác) chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 57% trong tổng dư nợ BĐS trên địa bàn. Riêng dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm. Ngoài ra, tín dụng BĐS phục vụ sản xuất kinh doanh: cho vay phát triển hạ tầng KCN-KCX; cho vay xây dựng văn phòng, cao ốc; xây dựng nhà hàng, khách sạn khu du lịch… đều đạt tốc độ tăng trưởng khá. Trong đó dư nợ cho vay phát triển hạ tầng KCN-KCX đạt 48.392 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cuối năm 2023; cho vay văn phòng cao ốc đạt 24.041 tỷ đồng, tăng 14%.

Nhận xét về vấn đề này, ông Lệnh cho biết, trong bối cảnh vẫn còn những khó khăn thách thức đối với nền kinh tế, các giải pháp đồng bộ để các thị trường: hàng hóa, tài chính BĐS duy trì ổn định, tăng trưởng và phát triển có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong đó sự phục hồi của thị trường BĐS sẽ kích thích tạo lập dòng tiền đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ khác, đồng thời có tác động trực tiếp đến hoạt động tín dụng BĐS nói chung và trên địa bàn TPHCM nói riêng.