Hướng đến khai thác tín chỉ carbon

|

Cây dừa được xem là cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của cây dừa và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng dừa.

Sản phẩm từ dừa Bến Tre được xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ

Thu về 500 triệu USD mỗi năm

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 5-8-2016 của Tỉnh ủy Bến Tre (về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025) và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy (về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm

2030) , đến nay, các mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm dừa ngày càng mở rộng. Việc tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, sản xuất theo hướng GAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), hữu cơ có liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường ngày càng phát triển. Toàn tỉnh hiện có 32 tổ hợp tác và 34 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị với quy mô 13.297ha và 6.556 thành viên. Diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ ngày càng tăng với 20.400ha (chiếm khoảng 25% diện tích dừa toàn tỉnh), trong đó có 13.000ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, diện tích dừa của tỉnh lớn nhất cả nước với 79.000ha, giúp địa phương thu về gần 500 triệu USD mỗi năm và có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 đến 5,8 triệu tấn CO2. Các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày càng đi vào thị trường tiêu chuẩn cao và đầy tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Trung Đông. Giá trị sản xuất chế biến dừa năm 2023 đạt 3.750 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu dừa năm 2023 đạt 420 triệu USD, chiếm 27,45% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Tỉnh đã và đang tập trung tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. “Xác định cây dừa là một trong những cây công nghiệp chủ lực, tỉnh luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chế biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế”, ông Trần Ngọc Tam cho hay.

Hiện Bến Tre có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, như cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, dầu dừa, chỉ xơ dừa,... trong đó gỗ dừa được khai thác, xuất khẩu và trở thành nhóm sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, công nghiệp chế biến dừa đã tiêu thụ khoảng 85,7% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn tỉnh, chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngành công nghiệp chế biến và được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Một số doanh nghiệp lớn đã có những chứng nhận như ISO 22000:2005, HACCP, HALAL, KOSSHER, BRC, GMP, hữu cơ được FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ) cấp mã số FDA và SID, công nghệ chế biến UHT. “Toàn tỉnh có khoảng 180 doanh nghiệp và gần 2.400 cơ sở sản xuất, chế biến đa dạng các sản phẩm từ dừa. Mỗi năm, doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất khoảng 50.000 tấn cơm dừa nạo sấy, 100 triệu lít nước cốt dừa, 40 triệu lít nước dừa đóng lon, 30.000 tấn chỉ xơ dừa...”, ông Đảnh cho biết.

Hướng đến tín chỉ carbon

Theo nghiên cứu, 1ha dừa ở Bến Tre có thể lưu giữ từ 25-75 tấn CO2. Trên cơ sở ứng dụng bản đồ viễn thám và GIS cho thấy, ước tính sinh khối toàn tỉnh tăng từ năm 2018-2023, lượng CO2 tính toán giữ lại trong cây trồng tăng từ 158 triệu tấn lên 169 triệu tấn. PGS-TS Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nhận định, một giá trị quan trọng khác của cây dừa chính là tiềm năng lưu giữ carbon, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm thiểu khí phát thải và hướng đến nền sản xuất carbon thấp. PGS-TS Trần Trung Tính cho rằng, với sinh khối lớn và tuổi thọ lâu năm, cây dừa có khả năng hấp thụ một lượng lớn CO2 từ khí quyển trong suốt vòng đời của nó.

Ông Trần Ngọc Tam khẳng định, với những tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu, tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu tiềm năng, giá trị của thị trường tín chỉ carbon đối với ngành nông nghiệp, nhất là đối với cây dừa và các cây lâu năm khác…

Theo Hiệp hội dừa châu Á - Thái Bình Dương, xu thế sử dụng sản phẩm chế biến từ dừa giai đoạn 2020-2025 tăng 10%. Không riêng chế biến sản phẩm thực phẩm, nhiều quốc gia còn đầu tư để tạo ra nhiều sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, trang trí, du lịch. Do đó, giai đoạn 2024-2025, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 79.000ha, trong đó có 20.000ha sản xuất hữu cơ, khoảng 2.000ha được cấp mã số vùng trồng. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80.000ha, phát triển 25.000ha dừa hữu cơ, diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000ha.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, Bộ NN-PTNT phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, trong đó xác định cây dừa là 1 trong 6 loại cây công nghiệp chủ lực quốc gia. Theo đề án, đến năm 2030, diện tích dừa cả nước sẽ đạt khoảng 195.000-210.000ha (trong đó, vùng trọng điểm ĐBSCL là 170.000-175.000ha); sản lượng 2,1-2,3 triệu trái. “Đặc biệt, với những kết quả nghiên cứu bước đầu liên quan đến khả năng hấp thu CO2 cho thấy khả năng thu lợi từ cây dừa, ngoài giá trị kinh tế, các vườn dừa còn có tiềm năng lưu trữ carbon cao nhờ đặc điểm là cây lâu năm. Đây là vấn đề mới mẻ nhưng tôi tin rằng bằng cách triển khai các nội dung phù hợp, ngành dừa cả nước nói chung và Bến Tre nói riêng có thể tham gia tốt vào thị trường tín chỉ carbon. Điều này không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất xanh, thân thiện với môi trường”, ông Đảnh cho hay.