Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm

|

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm của Việt Nam sẽ vượt con số 53 tỷ USD trong thời gian tới. Nhiều cơ hội đang tạo điều kiện để hàng nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm Việt vươn lên tốp đầu trên thị trường toàn cầu, không chỉ tăng về lượng mà đang tăng nhanh cả về giá trị.

Tham quan Hội chợ Tìm nguồn cung ứng Việt (Vietnam Sourcing 2024) tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Doanh nghiệp nhỏ bắt nhịp “sân chơi”

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm Việt Nam đạt 48,7 tỷ USD năm 2022, và chạm mốc 53 tỷ USD vào năm 2023. Riêng 5 tháng đầu năm, con số này đã tăng lên đến 25 tỷ USD - dấu mốc mới cho đà tăng trưởng ở mức 2 con số là 15% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, có rất nhiều mặt hàng Việt đã vươn lên đứng đầu thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, tiêu; đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê và thứ 3 về xuất khẩu gạo. Riêng những nhóm hàng thủy hải sản, thực phẩm chế biến sâu thì tùy thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN…, Việt Nam đứng trong tốp 10 các nước xuất khẩu mạnh.

Lý giải về vấn đề trên, bà Đoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty Hygie và Panacee, cho biết, không cần doanh nghiệp (DN) phải có nguồn lực, quy mô, sản lượng hàng hóa lớn mới có thể xuất khẩu, mà với những DN quy mô nhỏ và rất nhỏ, sản phẩm ít cũng có thể xuất khẩu được nếu đầu tư đúng hướng. Hiện Công ty Hygie và Panacee của bà Thắm có quy mô khoảng 3 tỷ đồng, nhưng ngay từ khâu đầu tư đã chuẩn chỉnh từ tiêu chuẩn chất lượng đến hình thức bao bì, nhãn mác để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Do đó, khi vừa bước ra thị trường thì sản phẩm đã có thể xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử Amazon. Mặt khác, sản phẩm của công ty là trà thảo dược nông sản như trà gừng, hoa cúc, lá tía tô… nên khá độc đáo và “bắt nhịp” nhanh với thị hiếu người dùng.

Tương tự, Công ty Kokofi dù là quy mô nhỏ nhưng sản phẩm mỹ phẩm tinh chế từ dầu dừa cũng đã có vị trí nhất định trên thị trường trong và ngoài nước. Bà Lâm Mộng Thúy, giám đốc công ty, chia sẻ, nếu bán dầu dừa dưới dạng nguyên liệu thì chỉ khoảng vài chục ngàn đồng/lít, còn tinh chế thành sản phẩm dưỡng da, tóc và thân thể có thương hiệu thì giá trị sản phẩm tăng gấp trăm lần, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Thị trường ngoại “sính” hàng Việt

Có thể thấy, điều kiện thổ nhưỡng cộng với những ưu thế, ưu đãi từ 16 hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực mà Việt Nam đã ký kết đã tạo đà cho kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số.

Các hiệp định thương mại tự do đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan, đặc biệt đối với các sản phẩm chế biến. Đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khách tham quan hội chợ Tìm nguồn cung ứng Việt (Vietnam Sourcing 2024) tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (quận 7, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ở góc độ khác, đại diện các hệ thống phân phối toàn cầu cho rằng, hàng Việt, nhất là nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm của Việt Nam đang đi đúng xu hướng người tiêu dùng thế giới. Trước hết là xu hướng xanh, bởi các nhà máy sản xuất đã trở bộ khá nhanh khi chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời để thay thế năng lượng hóa thạch. Tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường, sản lượng nông sản, thực phẩm không chỉ tăng nhanh về số lượng mà còn đạt chuẩn hữu cơ ngày càng nhiều.

Quan trọng hơn, việc đầu tư cho thương hiệu đã được thúc đẩy nên sản phẩm Việt trên thị trường cũng dần rõ nét hơn. Tất cả đã hội tụ trong xu hướng chung là người tiêu dùng toàn cầu đang ưa chuộng hàng Việt.

Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cho biết, trước đây thị trường Thái Lan gần như vắng bóng nước mắm Việt Nam vì Việt Nam chưa có nước mắm thương hiệu chuẩn toàn cầu. Thế nhưng, ngay khi tập đoàn hỗ trợ chuẩn hóa thương hiệu và đưa vào chuỗi cung ứng để phân phối thị trường Thái Lan thì chỉ trong một tuần, mấy ngàn chai nước mắm thương hiệu Phú Quốc đã được tiêu thụ. Hiện Tập đoàn Central Retail đang hỗ trợ nhiều DN Việt nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua xây dựng chuẩn quy trình sản xuất kết hợp đầu tư thương hiệu.

“Tôi tin rằng chỉ cần đầu tư sản phẩm chuẩn toàn cầu cả về chất lượng và thương hiệu, hàng Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu gián tiếp thông qua hệ thống chuỗi cung ứng của tập đoàn và tự tin cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của bất kỳ quốc gia nào”, ông Paul Le nói.

Về phía cơ quan chức năng, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, nhấn mạnh, sự trở bộ của DN, sự hỗ trợ của các tập đoàn cung ứng toàn cầu, Chính phủ, cùng các bộ ngành đã triển khai nhiều chính sách, đề án quan trọng và cấp thiết nhằm thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Những đề án hỗ trợ này đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững. Các DN Việt cũng được khuyến khích tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, trên cơ sở phát huy và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng Việt.

Vấn đề còn lại là DN cần chủ động nhận diện thị hiếu thị trường, thường xuyên làm mới mình và kết nối với các cơ quan chức năng, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Đây là nền tảng cơ sở để DN gia cố năng lực xuất khẩu, đi nhanh, đi bền vững trên thị trường nước ngoài.