Kích cầu thị trường ô tô: Không chỉ trông chờ vào giảm thuế, phí

|

Theo Chỉ thị 12 được ban hành ngày 21-4-2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Hiện tại, chính sách này được nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối ô tô cũng như khách hàng tại Việt Nam mong đợi, quan tâm.

Hàng loạt mẫu xe giảm giá, khuyến mãi

Thị trường ô tô Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 được ghi nhận mức sụt giảm khoảng 50% so với cùng kỳ và thấp nhất trong 5 năm gần đây. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 1-2024, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp thành viên đạt 19.243 xe, giảm đến 50% so với tháng 12-2023. Tháng 2-2024, doanh số tiếp tục sụt giảm với 11.633 xe bán ra, giảm 40% so với tháng 1 và giảm 50% so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 3-2024, doanh số đạt 27.289 xe, tăng 135% so với tháng 2 nhưng vẫn giảm 9% so với cùng kỳ. Đến tháng 4-2024, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 24.350 xe, giảm 11% so với tháng 3-2024 và tăng 9% so với cùng kỳ. Doanh số bán xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc đều giảm. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 82.515 xe, giảm 11% so với cùng kỳ.

Khách hàng tìm hiểu các dòng xe tại showroom Mazda Tân Sơn Nhất (quận Phú Nhuận, TPHCM)

Trước tình hình kinh doanh ảm đạm trong những tháng qua, hàng loạt mẫu xe đã được các hãng giảm giá và liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi để kích cầu. Điều chỉnh giảm mạnh nhất trong tháng 5-2024 phải kể đến một mẫu xe của hãng Ford. Theo đó, dòng xe Ford Explorer được giảm đến 440 triệu đồng so với tháng 4, giá bán thực tế của mẫu xe này xuống mức 1,999 tỷ đồng. Hay mới đây, dòng xe Volkswagen Teramont VIN 2023 tiếp tục giảm thêm 30 triệu đồng, đưa tổng mức giảm giá lên tới 430 triệu đồng so với giá niêm yết, còn 2,069 tỷ đồng.

Với một số mẫu xe đời 2023, Honda Việt Nam là một trong những thương hiệu ô tô tích cực nhất trong việc giảm giá bán. Trong tháng 5-2024, mẫu sedan Honda Accord giảm giá tới 220 triệu đồng. Trong khi đó, ô tô thương hiệu Huyndai dù đang hút khách nhất thị trường Việt Nam vẫn cùng các đại lý áp dụng chương trình giảm giá cho hàng loạt mẫu xe. Cụ thể, mẫu MPV - Huyndai Custin được đại lý giảm từ 60-80 triệu đồng cho lần lượt 2 phiên bản 1.5T đặc biệt và 2.0T cao cấp, kèm quà tặng bảo hiểm hoặc phụ kiện, tùy từng đại lý; mẫu Santa Fe giảm giá thêm 50 triệu đồng; mẫu Accent cũng được đại lý giảm từ 542 triệu đồng xuống còn 475 triệu đồng cho xe đời 2023. Toyota cũng tham gia vào cuộc đua giảm giá khi mẫu xe Toyota Raize đang được chào bán với mức ưu đãi 30-50 triệu đồng.

Phải kéo giá xuống thấp

Thị trường ô tô trong nước đang gặp nhiều khó khăn khi nhiều người lùi thời gian mua xe với tâm lý chờ đợi Chính phủ sẽ tiếp tục có chính sách giảm lệ phí trước bạ (LPTB). Nếu chính sách này được thông qua và áp dụng từ ngày 1-7 tới và kéo dài đến hết năm 2024, các đại lý ô tô kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Theo tính toán, khi giảm 50% LPTB, người mua ô tô dưới 10 chỗ lắp ráp trong nước sẽ tiết kiệm được khoản tiền từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Đây sẽ là lần thứ 4 kể từ năm 2020, chính sách thực hiện giảm LPTB cho xe ô tô lắp ráp trong nước được đề xuất áp dụng.

Nhìn nhận về đợt giảm LPTB trong những ngày tới nếu Chính phủ thông qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, người mua xe và các nhà lắp ráp xe ô tô trong nước sẽ được lợi. Với người mua xe thì điều này giúp thỏa mãn nhu cầu và chất lượng sống của họ. Với các đơn vị lắp ráp trong nước thì giúp giảm giá thành, kích thích tổng cầu thanh toán, từ đó có thể tăng sản lượng, tăng việc làm, tăng lợi nhuận. Điều này rất tốt trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn hiện nay. Về mặt xã hội thì duy trì các hoạt động sản xuất trong nước tức là duy trì việc làm cho người lao động, giảm bớt áp lực an sinh.

Trên thực tế, nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, bức tranh tổng thể vẫn còn nhiều mục tiêu chưa đạt được, nhiều điểm hạn chế cần khắc phục. Chẳng hạn, tỷ lệ nội địa hóa xe dưới 9 chỗ mới đạt trung bình 12-20% (thấp rất nhiều so với mục tiêu năm 2020 đạt 30-40%), tỷ lệ xuất khẩu mới đạt 1.000 xe so với mục tiêu năm 2020 là 5.000 xe.

Trong bối cảnh lộ trình giảm thuế nhập khẩu được thực hiện khi Việt Nam tham gia các cam kết tại các hiệp định tự do thương mại, sức ép cạnh tranh đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng ngày càng gay gắt. Giới chuyên môn nhận định, sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ không còn cơ hội tăng trưởng cao trong những năm tới. Nếu cứ duy trì sản lượng thấp thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không thể khắc phục hết bất lợi để chuyển hóa thành lợi thế. Hiện ô tô dưới 10 chỗ ngồi là sản phẩm chịu nhiều thuế phí nhất, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, LPTB, phí cấp biển số… Thuế, phí cao đẩy giá xe lên cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, nên quy mô thị trường ô tô nhỏ bé, ngành ô tô thường xuyên gặp khó khăn.