Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới

|

Ngày 7-6, tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua hệ thống thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới” do Bộ Công thương tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc xuất khẩu đã thuận lợi hơn nhờ sàn TMĐT và có thể đạt gần 30 tỷ USD vào năm 2024.

Sản phẩm mỹ phẩm dầu dừa của Công ty Kokofi đang được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, hiện Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam duy trì mức tăng trưởng trên dưới 25%/năm. Và với dự ước thị trường TMĐT toàn cầu sẽ chạm mức doanh thu dự kiến 7,4 ngàn tỷ USD vào năm 2025 thì mức tăng trưởng doanh thu TMĐT bán lẻ còn cao hơn nữa.

Thông qua TMĐT mà Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư HSC có cơ hội xuất khẩu nông sản Việt ra thị trường Nhật Bản

Hiện theo thống kê của Tập đoàn Amazon Global Selling, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần. Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ...

Cũng theo ông Linh, hiện Bộ Công thương đã chỉ đạo các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật xu hướng tiêu dùng, nhu cầu, tiềm năng thị trường, kinh nghiệm và hành trình triển khai xuất khẩu trực tuyến để giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào TMĐT xuyên biên giới, đưa các sản phẩm và thương hiệu Việt đến khách hàng trên toàn cầu.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, cần có cái nhìn rõ hơn về tiềm năng và cơ hội mà TMĐT mang lại. Đồng thời, nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu qua TMĐT xuyên biên giới.

Có thể thấy, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh TMĐT xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tệp khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.