Tăng cường xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Thanh Thủy, Xín Mần, Săm Pun

|

Cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang đã đề xuất Bộ Công thương có cơ chế, chính sách cũng như tăng cường trao đổi để thúc đẩy hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu: Thanh Thủy, Xín Mần, Săm Pun.

Sở Công thương tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ Công thương trao đổi với phía Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (TP Hà Giang) và các cửa khẩu Xín Mần ở huyện Xín Mần, cửa khẩu Săm Pun ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Cửa khẩu Thanh Thủy ở TP Hà Giang

Thông tin từ tỉnh Hà Giang, cửa khẩu Săm Pun thuộc địa phận thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc) được chính thức mở vào tháng 10-2023 để thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu với cửa khẩu Điền Bồng thuộc huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Còn cửa khẩu Xín Mần thuộc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang (Việt Nam) thông thương với cửa khẩu Đô Long thuộc huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Thời gian qua, hoạt động xuất nhập khẩu ở 2 cửa khẩu này còn thưa thớt.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này ước đạt hơn 54,4 triệu USD, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2023; song, có trên 67.000 lượt người tham gia xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, tăng 361,4 % so với cùng kỳ năm 2023 và có trên 5.000 lượt phương tiện xuất nhập cảnh, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài tỉnh Hà Giang, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn và Sở Công thương tỉnh Lào Cai cũng có đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN-PTNT tăng cường làm việc, thống nhất với phía Trung Quốc mở rộng danh mục nông sản, trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, ký kết các nghị định thư về kiểm dịch để giảm tỷ lệ kiểm tra hàng hoá đối với nông sản Việt Nam.

Hồi đáp những đề nghị này, Bộ Công thương cho biết, chủ trì trong đàm phán xuất nhập khẩu nông sản là Bộ NN-PTNT. Thời gian qua, Bộ Công thương đã cùng Bộ NN-PTNT tăng cường trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc để mở rộng danh mục xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm trái cây đông lạnh, trái cây tươi có múi, bơ,...

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, do công tác mở cửa thị trường cần nhiều bước kiểm tra kỹ thuật, đàm phán, đánh giá rủi ro... nên tốn nhiều thời gian, nguồn lực. Do đó, cơ quan chức năng cần đánh giá thứ tự ưu tiên để trao đổi, đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc.