Đang ở mức tối thiểu

|

Có thể thấy, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã phát triển mạnh trong khoảng 15 năm trở lại đây. Vào thời điểm năm 2019, ngay trước khi xảy ra dịch Covid-19, Tổ chức Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nóng nhất toàn cầu với tăng trưởng doanh thu trung bình 17,4%, cao hơn rất nhiều so với mức 7,9% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Từ chỗ chỉ có Vietnam Airlines “độc diễn”, đến nay, thị trường có 5 hãng hàng không đang khai thác là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vietravel Airlines, Bamboo Airways, Pacific. Tuy nhiên, thị trường hàng không Việt lại đang bước vào một giai đoạn hết sức khó khăn khi 3/5 hãng tạm dừng hoặc khai thác hạn chế. Thị trường hiện do 2 “ông lớn” thống lĩnh là Vietnam Airlines và Vietjet, mỗi hãng chiếm khoảng 40% thị phần. Khác với nhận định của Cục HKVN, nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, sự cạnh tranh chỉ ở mức tối thiểu và là một trong những nguyên nhân khiến giá vé máy bay tại Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực.

Ghi nhận trên thị trường, ngoài đường bay Hà Nội - TPHCM, nhiều đường bay nội địa chỉ có 2 hãng khai thác, thậm chí có đường bay tạm thời chỉ còn 1 hãng khai thác. Ví dụ, các đường bay từ Hà Nội đi Phú Quốc, Cần Thơ, Quy Nhơn, Huế, Tuy Hòa chỉ còn 2 hãng khai thác; đường bay từ Hà Nội đi Đồng Hới, Vinh tạm thời chỉ còn 1 hãng bay khai thác.

Việc có nhiều hãng hàng không cùng khai thác là yếu tố quan trọng để kéo giảm giá vé. Có thể thấy rõ điều đó ở đường bay đi Côn Đảo, vốn là đường bay đắt đỏ nhất khi nhiều năm liền chỉ có duy nhất Vietnam Airlines khai thác. Đường bay này từng hạ nhiệt khi có thêm Air Mekong khai thác vào năm 2012, nhưng chỉ sau 1 năm, hãng phải dừng đường bay này do khó khăn tài chính. Đến năm 2020, Bamboo Airways khai trương 3 đường bay từ Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An tới Côn Đảo. Tình thế này buộc Vietnam Airlines phải giảm giá vé bay nối chặng Hà Nội - Côn Đảo từ mức 5-7 triệu đồng (đã gồm thuế, phí) xuống còn khoảng 2,7-3 triệu đồng/vé vào một số thời điểm. Kết quả là lượng khách đến Côn Đảo bằng đường hàng không tăng vọt. Tuy nhiên, mới đây, Bamboo Airways đã phải đóng cửa các đường bay này, khiến giá vé máy bay tới Côn Đảo lại khan hiếm và neo cao.

Một minh chứng nữa cho sự cạnh tranh có lợi cho hành khách là đường bay đến Điện Biên. Trước đây, đường bay này chỉ có Vietnam Airlines khai thác bằng máy bay ATR72. Sau khi Cảng hàng không Điện Biên được nâng cấp cải tạo, đường bay đến Điện Biên có thêm Vietjet Air khai thác với tần suất Điện Biên - Hà Nội 7 chuyến/tuần và Điện Biên - TPHCM 3 chuyến/tuần. Chất lượng dịch vụ được nâng cao, giá vé cạnh tranh.

Nhìn sang Thái Lan, nơi có giá vé máy bay rẻ nhất nhì khu vực, đầu năm 2024, nhà chức trách hàng không quốc gia này cho biết sẽ có thêm 8 hãng hàng không mới dự kiến sẽ cất cánh trong năm nay. Cùng với 7 hãng hiện hữu, cạnh tranh trên thị trường hàng không Thái Lan ngày càng gay gắt và đương nhiên hành khách sẽ là người hưởng lợi. Như vậy, có thể thấy, yếu tố cạnh tranh rất quan trọng trong việc kéo giảm giá vé máy bay. Bên cạnh nhiều giải pháp hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho các hãng hàng không hiện hữu, Bộ GTVT, Cục HKVN cần tạo điều kiện cho các hãng hàng không mới tham gia, để thị trường hàng không thực sự có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.