Vì sao không nên phát triển ồ ạt điện mặt trời mái nhà?

|

Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đang phát triển mạnh ở nước ta, đã đóng góp một phần năng lượng đáng kể cho nhu cầu tiêu thụ. Nhưng các chuyên gia cho rằng, nếu phát triển ồ ạt, để vỡ quy hoạch thì lại “lợi bất cập hại”.

Theo Bộ Công thương và các chuyên gia điện lực, tính đến thời điểm hiện tại, công suất của ĐMTMN đã đạt xấp xỉ 6.770 MWAC, chiếm gần 9% tổng công suất đặt, sản lượng chiếm gần 4% sản lượng điện hệ thống điện quốc gia.

Nhiều chuyên gia điện lực đánh giá loại hình này hiện đã chiếm tỷ trọng đáng kể trong hệ thống điện quốc gia. Còn nếu xét về công suất lắp đặt, nguồn ĐMTMN đang có tỷ trọng cao hơn nhiều loại hình nguồn điện năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện sinh khối. Thậm chí, công suất lắp đặt của ĐMTMN còn vượt qua công suất thủy điện nhỏ và turbine khí (là những loại nguồn đã từng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam trước đây).

Điểm đáng lo ngại, trong những thời điểm tiềm năng bức xạ tăng cao, công suất ĐMTMN có nguy cơ vượt quá khả năng hấp thụ của lưới điện khu vực.

Bên cạnh lợi ích là bổ sung thêm nguồn năng lượng, ĐMTMN cũng đang trở thành nỗi lo của hệ thống điện quốc gia nếu để phát triển tự phát, phá vỡ quy hoạch sẽ đe dọa sự an toàn cho hệ thống.

Lý giải cho nỗi lo này, các chuyên gia điện lực cho biết, nếu chỉ sử dụng cục bộ trong phạm vi của cơ quan công sở, hộ gia đình thì ĐMTMN không ảnh hưởng, nhưng trong trường hợp hòa chung vào lưới quốc gia thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ.

Nhược điểm lớn nhất của ĐMTMN chính là ở tính bất định do phụ thuộc vào bức xạ mặt trời nên chỉ có tác dụng vào những giờ có ánh nắng mặt trời. Vào buổi đêm, hay vào những giờ có mây, mưa ban ngày, nguồn điện từ năng lượng mặt trời suy giảm về mức thấp hoặc về 0. Đối với các hộ gia đình, công xưởng đã đầu tư ĐMTMN thì sẽ thấy tính bất định của loại hình này thể hiện rất rõ. Vào những ngày âm u, mưa gió, công suất ĐMTMN giảm hẳn và phải mua điện từ lưới điện. Vào buổi đêm khi nhu cầu sử dụng điện cao thì chắc chắn phải mua điện từ công ty điện lực nếu như không có phương pháp dự trữ điện.

Ngược lại, vào những thời điểm bức xạ mặt trời cao, nguồn ĐMTMN đạt công suất (phát) cao, nhưng công suất sử dụng của toàn hệ thống xuống thấp, sẽ dư thừa, phải cắt giảm công suất phát điện. Để xử lý, đơn vị điều độ hệ thống điện phải chọn 1 trong 2 giải pháp tình thế: hoặc cắt giảm công suất các nhà máy điện truyền thống, hoặc cắt giảm công suất các nguồn phát năng lượng tái tạo. Nhưng lựa chọn phương án 1 rất nguy hiểm cho các công trình phát điện truyền thống, nên thường phải chọn phương án thứ 2.

Do đặc điểm bất định của ĐMTMN (tương tự đối với điện gió, điện mặt trời nối lưới) dẫn đến tình trạng vào những lúc thừa thì quá thừa, còn lúc thiếu lại quá thiếu. Do đó, lúc thiếu thì lại cần phải khởi động lại các nguồn điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện). Tình trạng này cũng dẫn đến nguồn điện truyền thống cũng không được “chạy” ổn định, phải hoạt động ở trạng thái không liên tục, vừa làm giảm sản lượng các nguồn điện này, vừa gây hại cho thiết bị (do liên tục phải điều chỉnh lên xuống hoặc phải khởi động – dừng nhiều lần).

Ngoài ra, ĐMTMN còn có mặt trái nữa là phân tán không đồng nhất, khó huy động và truyền tải, phân phối phần dư thừa. Vì những lợi bất cập hại như vậy, các chuyên gia đề nghị cần phải có sự thận trọng trong quá trình phát triển ĐMTMN để có thể phát huy ưu điểm và giảm thiểu nhược điểm. Các nguồn ĐMTMN chỉ nên phát triển ở mức sẵn sàng tiêu thụ tại phụ tải. Nếu ồ ạt phát triển ở quy mô lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến cân bằng cung - cầu của hệ thống điện, gây ra những phí tổn không cần thiết.

Gỡ điểm nghẽn trong phát triển điện mặt trời mái nhà