Khóm Cầu Đúc: vị ngọt của Vị Thanh

|

Ngày xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, được UBND tỉnh Hậu Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, ông Vu Sủi, một lão nông kỳ cựu, rưng rưng niềm xúc động. Ông là chứng nhân cho sự chuyển mình của vùng khóm Cầu Đúc hướng tới sản phẩm đạt chuẩn OCOP song hành với xây dựng nông thôn mới.

Giờ đây, ông Vu Sủi đã quen với việc dán những con tem truy xuất nguồn gốc lên khóm Cầu Đúc khi sản phẩm này đạt chuẩn OCOP 4 sao. Qua hơn 40 năm gắn bó với khóm Cầu Đúc, ông là người trồng “thế hệ thứ hai”, nên hiểu được những thăng trầm của loài trái “trăm mắt” này. Mương, rẫy thẳng tắp, khóm luôn trúng đậm ở vùng đất phèn mặn, cũng là lý do ông Vu Sủi được người dân tin tưởng, bầu làm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thạnh Thắng - hiện có trên 100 xã viên cùng canh tác hơn 200ha khóm.

“Ngoài tạo ra sản phẩm OCOP từ khóm Cầu Đúc, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm khóm cho thành viên, những hộ trồng khóm liên kết với sản lượng hơn 1.500 tấn trái/180ha. HTX cũng liên kết với một số công ty chế biến, xuất khẩu để đảm bảo thị trường tiêu thụ, giúp người trồng khóm có nguồn thu nhập cao”, ông Vu Sủi chia sẻ. Như bản thân ông, với 6ha trồng khóm, giờ thu về vài trăm triệu đồng mỗi năm, yên tâm bám trụ dài lâu với cây khóm.

Người dân hai bờ sông Cái Lớn - nơi tiếp giáp huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) và TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), xem khóm Cầu Đúc là một lựa chọn khôn ngoan của những người đi trước. Bởi khóm Cầu Đúc là loại cây trồng thích nghi với phèn mặn. Theo những người cố cựu ở đây, năm 1930, dân Hỏa Tiến thấy cây khóm giống tốt nên đã nhân giống trồng cặp sông Cái Lớn. Cây khóm bám rễ, trụ vững đến ngày nay, tính ra cũng gần 100 năm. Tên khóm Cầu Đúc được hình thành do lúc đó địa phương có cây cầu đúc bằng xi măng bắc ngang sông Cái Lớn. Thương lái tập trung tại đây mua khóm chở đi bán khắp nơi.

Khóm Cầu Đúc được trồng tập trung nhiều tại TP Vị Thanh, với gần 2.500ha, năng suất 16,78 tấn/ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm. Với hơn 1.000ha, khóm Cầu Đúc chiếm hơn 75% diện tích nông nghiệp của xã Hỏa Tiến. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người xã Hỏa Tiến gần 75 triệu đồng/năm, tăng 14 triệu đồng so với năm 2021. Thành công từ việc nuôi dưỡng, phát triển khóm Cầu Đúc góp phần giúp địa phương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của TP Vị Thanh vào tháng 3-2024.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Tình, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, thành phố rất quan tâm đến phát triển xã nông thôn mới gắn với việc thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy Hậu Giang về 4 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch, trong đó có việc kết nối tuyến du lịch từ trung tâm thành phố theo dòng Xà No về xã Hỏa Tiến.

Hậu Giang hiện có 175 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Trong đó, có 9 sản phẩm được chế biến từ khóm Cầu Đúc như: rượu khóm, nước màu khóm, mứt khóm, dưa chua củ hủ khóm… TP Vị Thanh đang nỗ lực mời gọi đầu tư xây dựng khu dân cư, chợ, cầu tàu để làm điểm dừng chân cho du khách tham quan khóm Cầu Đúc, điểm giới thiệu các sản phẩm OCOP. Trong đó, địa phương đang hướng dẫn người dân làm thông thoáng kênh, mương rẫy khóm để khách du lịch có thể tiện tham quan trên ghe, xuồng. Ngoài ổn định đầu ra, tạo nguồn thu nhập bền vững cho người dân, thành phố cũng mở rộng không gian du lịch gắn với du lịch trải nghiệm ngay tại vùng trồng khóm.

Đồng chí Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ, sau 13 năm thực hiện, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân Hậu Giang, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trong tỉnh và đạt được nhiều thành tựu toàn diện. Đến nay, tỉnh có 40/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2024, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và trở thành xã thứ 3 về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.