Nghịch lý khi giá cà phê tăng cao

|

Tiếp nối đà tăng giá từ tháng 10-2023,

Giá tăng cao, doanh nghiệp lo âu

Theo ghi nhận, tại Gia Lai, nguồn cà phê trong dân gần như đã cạn. Phần lớn các hộ bán cà phê tươi ngay lúc thu hoạch xong, hoặc bán cà phê nhân lúc giá 80.000-90.000 đồng/kg.

Trung tuần tháng 4, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên đạt mức 110.000 đồng/kg. Dù nhiều người hỏi mua nhưng ông Lê Văn Nghĩa (xã Nam Giang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai), vẫn lắc đầu, chờ giá lên mức 120.000-130.000 đồng/kg. Nếu bán giá 120.000 đồng/kg, nhà ông thu khoảng 1,8 tỷ đồng. Trừ chi phí nhân công, vật tư, phân bón và tiền bơm tưới, lợi nhuận đạt 70% tổng doanh thu.

Giá cà phê tăng cao trong những ngày qua, trước hết là mừng cho nông dân ở các vùng trồng cà phê trọng điểm, vốn chỉ bán được với giá dưới 50.000 đồng/kg trong suốt một thời gian dài. Nhưng với các doanh nghiệp (DN) trong chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam, từ đại lý thu mua tới nhà cung ứng, xuất khẩu, thương mại, rang xay, việc giá tăng nhanh và quá cao đang gây ra nhiều thách thức, thậm chí bộc lộ tính thiếu bền vững của ngành cà phê Việt Nam.

Nhiều DN phải mua với giá cao để có hàng, kịp giao cho đối tác đã ký kết trước đó. Chuyên gia về cà phê Nguyễn Quang Bình nhận định, nhiều nhà kinh doanh xuất nhập khẩu lo âu vì giá mua vào quá cao, vốn ở đâu cho xuể để thu gom hàng, vì nguyên liệu thu vào quá ít khiến nhà máy tạm ngưng hoạt động... Không chỉ giá cao, DN cũng lo ngay ngáy khi còn có trường hợp nông dân đã không giao hàng dù hợp đồng đã được ký.

Nông dân Tây Nguyên thu hoạch cà phê thời điểm đầu niên vụ 2023-2024

Đại diện của Công ty TNHH Neumann Việt Nam chia sẻ, hoạt động kinh doanh, thương mại trong ngành cà phê Việt Nam khá ổn định. Song, trong niên vụ 2023-2024, thay đổi xuất hiện xảy ra như chậm trễ trong việc thực hiện hợp đồng, thậm chí là không thực hiện hợp đồng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu cà phê Việt Nam của DN, mà còn tới các nhà rang xay là khách hàng của DN. Việc không tôn trọng hợp đồng và những thỏa thuận đã ký kết đang lan rộng và dẫn tới nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng cà phê.

Nỗ lực giữ tính bền vững

Ở mức giá hiện nay, nông dân hưởng lợi còn DN lại gặp khó. Điều này đặt ra câu chuyện phát triển bền vững. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết, trong chuỗi sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu cà phê, công đoạn nào cũng nên đảm bảo được tính bền vững. Thời gian qua, Vicofa đã có những cảnh báo về việc mua xa, bán xa. Ví dụ, từ tháng 10 đến tháng 12 mới thu hoạch cà phê, nhưng từ tháng 8 DN đã mua cà phê, sẽ tạo ra rủi ro trong kinh doanh rất cao.

Do đó, tất cả các DN cần chú ý định hướng kinh doanh để tránh mua xa, bán xa. Trong chuỗi cung ứng cà phê của Việt Nam, người nông dân không trực tiếp bán cho nhà xuất khẩu mà thông qua hệ thống đại lý, thương lái. Khi giá cà phê tăng cao, đã xảy ra tình trạng đứt gãy ở khâu thương lái. Do đó, Vicofa đã có những lưu ý nhất định đối với DN, đặc biệt là các đơn vị trung gian như đại lý, thương lái, để đảm bảo uy tín với nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như DN nước ngoài.

Vicofa cho rằng, hiện nay, sự đồng hành của các ngân hàng là rất cần thiết. Lãnh đạo Vicofa đề xuất trước việc giá cà phê tăng rất cao so với niên vụ trước, các ngân hàng nên xem xét tăng hạn mức cho vay và ưu tiên lãi suất cho các DN kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê để đảm bảo thực hiện các hợp đồng cung ứng, xuất khẩu đã ký.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê nước ta có dấu hiệu giảm từ tháng 3-2024 khi sản lượng xuất chỉ khoảng 185.281 tấn, đạt kim ngạch khoảng 680,86 triệu USD, giảm 11,9% về lượng, dù tăng 41,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá tăng. Hai DN dẫn đầu xuất khẩu cà phê là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (tỉnh Gia Lai) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đều cho biết, lượng hàng trong kho chỉ bán đủ đến khoảng tháng 5 và tháng 6-2024, không thể kéo đến vụ thu hoạch mới 2024-2025.

Giá cà phê Việt Nam tăng gấp 3, đổ vỡ các hợp đồng liên kết

Giá cà phê vượt 100.000 đồng/kg: Không để xáo trộn thị trường