Điểm nghẽn lớn nhất của ngành công nghiệp công nghệ số là nhân lực trình độ cao

|

Theo đại biểu Vũ Hải Quân (TPHCM), điểm nghẽn lớn nhất trong ngành công nghiệp công nghệ số hiện nay của chúng ta là nhân lực trình độ cao. Chính sách phát triển nhân lực, cộng với thu hút nhân tài cho lĩnh vực này, phải được coi là chìa khóa quan trọng để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.

Ngày 23-11, sau khi Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình Quốc hội tờ trình về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Quốc hội đã thảo luận về dự án luật này.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu (ĐB) Vũ Hải Quân (TPHCM) cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất của ngành công nghiệp công nghệ số hiện nay của chúng ta là nhân lực trình độ cao. Do đó, điểm đột phá phải là về vấn đề này. Nhưng, dự thảo luật thể hiện điều này còn mờ nhạt. Theo ĐB, chính sách phát triển nhân lực, cộng với thu hút nhân tài cho lĩnh vực này, phải được coi là chìa khóa quan trọng để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.

Song song đó là vấn đề hạ tầng cho ngành công nghiệp công nghệ số. Tựu trung lại, phải có chính sách đột phá về con người. Hiện nay, các nước trong khu vực coi Việt Nam như mỏ tài nguyên về nhân lực, chúng ta cần tận dụng cơ hội này.

Đại biểu Vũ Hải Quân (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

Nói thêm về công nghiệp bán dẫn, ĐB Vũ Hải Quân cho rằng, cần có cơ chế linh động trong mua sắm hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn; cơ chế cho vấn đề hạ tầng dùng chung. “Cơ chế đấu thầu, duy tu, bảo hành các trung tâm công nghệ dùng chung phải linh động, vì nếu không thì các trường lại phải trích từ học phí của sinh viên”, ĐB Hải Quân nêu.

Do đó, ĐB cho rằng, dự luật này phải có những đột phá về tư duy; nếu không, lại cũng chỉ như dự án Luật Công nghệ thông tin ban hành cách đây vài chục năm.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) cũng cho rằng, dự án luật này là cơ hội để chúng ta phát triển công nghệ số như mục tiêu đã đặt ra. ĐB đề nghị cần xem xét kinh doanh tài sản số, dữ liệu số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà Chính phủ cần quy định cụ thể.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Về chính sách để phát triển nhân lực, ĐB Diệu Thúy cho rằng đây đang là vấn đề lớn, chúng ta đào tạo nhiều nhưng trong khu vực công để tuyển rất khó vì lương thấp, do đó cơ hội chuyển đổi số trong khu vực công bị kìm hãm. “Cần có chính sách cho các trường đại học mở rộng đầu tư ngành này; có chính sách để tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ số cho khu vực công, bởi với mức lương hiện nay thì các em không vào nhà nước làm”, ĐB nêu.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, đây là dự án quan trọng trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, nhưng cần gắn luật với các luật đã và đang chuẩn bị thông qua, bảo đảm không vướng, ví dụ như Luật Dữ liệu, hay với vấn đề quản lý dữ liệu. Cần bảo đảm chính sách để ngành này phát triển tăng tốc nhưng vẫn bền vững về vấn đề nhân lực, hạ tầng. Bên cạnh đó, phải quy định rõ, chi tiết dữ liệu số nào được kinh doanh, dữ liệu số nào bị cấm khai thác, kinh doanh…

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Trước đó, thẩm tra về dự án luật này, về nhân lực công nghệ số, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản tán thành và đề nghị làm rõ nội hàm, bổ sung một số quy định về phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, phát triển cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ số, thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao, khung năng lực công nghệ số.

Về tài sản số, ủy ban nhận thấy, việc quy định về tài sản số trong luật là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.