LOTUSat-1, vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam sắp được phóng lên vũ trụ

|

Vệ tinh LOTUSat-1 có khối lượng khoảng 570kg, là vệ tinh sử dụng công nghệ radar có khả năng chụp ảnh trái đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm.

Chiều 12-7, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam (VAST) tổ chức họp báo định kỳ 6 tháng đầu năm 2024. Trao đổi với báo chí tại đây, PGS-TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VAST cho biết, vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam (LOTUSat-1) đã hoàn thành thiết kế, chế tạo, dự kiến có thể phóng lên vũ trụ vào đầu năm tới.

Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh: TRẦN BÌNH

Theo PGS-TS Trần Tuấn Anh, trong 6 tháng đầu năm 2024, VAST tích cực triển khai dự án đầu tư xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam trong “Chiến lược Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030” ban hành tại Quyết định số 169/QĐ-TTg (ngày 4-2-2021) của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, VAST đã hoàn thành hơn 90% khối lượng các công việc của dự án từ nguồn vốn đối ứng; đang xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ”.

Thông tin thêm về vệ tinh LOTUSat-1, TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm vũ trụ Việt Nam (thuộc VAST) cho biết, phía Chính phủ Nhật Bản dự kiến vệ tinh có thể phóng vào khoảng tháng 2-2025.

Theo kế hoạch, sau 3 tháng thử nghiệm trên quỹ đạo, khoảng tháng 6-2025, vệ tinh LOTUSat-1 sẽ được bàn giao cho Trung tâm vũ trụ Việt Nam vận hành toàn bộ hệ thống trong 5 năm.

Để chuẩn bị cho việc khai thác vệ tinh sau khi phóng lên quỹ đạo, toàn bộ hệ thống thiết bị mặt đất gồm trung tâm vận hành điều khiển vệ tinh, trung tâm ứng dụng dữ liệu vệ tinh đã được lắp đặt tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ở Hòa Lạc (Hà Nội) từ tháng 5-2024. Dự kiến tháng 9-2024 sẽ bàn giao hệ thống này để đón nhận tín hiệu đầu tiên của vệ tinh.

TS Lê Xuân Huy thông tin về vệ tinh LOTUSat-1 tại cuộc họp báo. Ảnh: TRẦN BÌNH

Trước đó, Việt Nam ký kết gói thầu “Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực” với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).

Vệ tinh LOTUSat-1 có khối lượng khoảng 570kg, là vệ tinh sử dụng công nghệ radar có khả năng chụp ảnh trái đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm.

Dự án đồng thời đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, giúp Việt Nam từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh có khối lượng lớn hơn.

Theo TS Lê Xuân Huy, vệ tinh này có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết nên rất phù hợp với quốc gia có điều kiện khí tượng nhiều mây và sương mù như Việt Nam.

PGS-TS Trần Tuấn Anh trao đổi với các phóng viên tại cuộc họp báo. Ảnh: TRẦN BÌNH

Cũng tại họp báo, PGS-TS Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, việc vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (thuộc Viện Vật lý địa cầu, VAST) và các mạng trạm quan trắc, góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Từ ngày 15-12-2023 đến ngày 14-5-2024, trung tâm đã ghi nhận 126 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,5 đến 4,1 độ theo thang Mô-men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam, trong đó có 23 trận động đất có độ lớn M ≥ 3,5 đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin.

Về nhiệm vụ phát triển Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, VAST đang thực hiện các bước trong quy trình giải phóng mặt bằng tại huyện Quốc Oai, TP Hà Nội; từng bước hoàn thiện Trung tâm Bảo tồn tài nguyên Thiên nhiên Việt Nam và cứu hộ động, thực vật, tiếp nhận mẫu vật phục vụ công tác bảo tồn, cứu hộ.