Phát triển AI phải có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng

|

Bộ KH-CN vừa ban hành Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN về việc hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có trách nhiệm nhằm hướng đến một xã hội lấy con người làm trung tâm, mọi người được hưởng những lợi ích từ các hệ thống AI, bảo đảm sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích và rủi ro của các hệ thống AI.

Công nghệ AI được xem là cốt lõi, quan trọng nhất hiện nay trong bối cảnh công nghệ số ngày càng chi phối mạnh mẽ đời sống xã hội, cũng như phát triển kinh tế. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, như: FPT, Viettel, VNG, VNPT… đều khẳng định, AI là nền tảng, cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghệ ngang tầm thế giới trong tương lai gần; hỗ trợ, giải quyết các vấn đề khó khăn mà con người, cộng đồng đang phải đối mặt.

Theo các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, việc nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI ở Việt Nam cần dựa trên quan điểm: hướng đến một xã hội lấy con người làm trung tâm, mọi người được hưởng những lợi ích từ cuộc sống; đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích và rủi ro; phát huy lợi ích của AI thông qua các hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo và giảm thiểu nguy cơ xâm phạm quyền hoặc lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân...

GS-TS Andy Hall, chuyên gia cao cấp CSIRO (Cơ quan KH-CN của Chính phủ Australia) nhìn nhận, việc xây dựng bộ nguyên tắc đạo đức thúc đẩy phát triển AI có trách nhiệm là để xây dựng niềm tin của người dùng và xã hội vào các hệ thống AI vốn đang được ứng dụng mọi mặt đời sống trước những tác động và rủi ro không thể lường trước. Phát triển AI tiềm ẩn rủi ro, bất định, do đó “đổi mới có trách nhiệm” cần dựa vào chủ động lựa chọn công nghệ an toàn, có đạo đức và phù hợp giá trị xã hội.

PGS-TS Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của AI đang làm dấy lên quan ngại về các rủi ro tiềm ẩn, tác động tới xã hội khi các ứng dụng AI vi phạm các chuẩn mực đạo đức và pháp lý như việc thuật toán có thể gây ra sự thiên vị, phân biệt đối xử, xâm phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, tạm thời xác định rằng, các văn bản có thể ở dạng hướng dẫn, không có tính ràng buộc và khuyến khích xây dựng, áp dụng những tiêu chuẩn, quy trình thực hành dựa trên các khuyến nghị quốc tế làm nền tảng để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và sử dụng các hệ thống AI. Trong mọi trường hợp, khuyến khích việc trao đổi, thảo luận với sự tham gia của các bên liên quan đến hệ thống AI. Cùng với đó, các nguyên tắc, hướng dẫn về phát triển và ứng dụng AI sẽ tiếp tục được nghiên cứu, cập nhật để phù hợp với tình hình thực tiễn.