Điểm đến trù phú, văn minh và hạnh phúc

|

Như bao thanh niên khác, tôi đã chọn TPHCM, thành phố phương Nam để lập nghiệp. Hơn 20 năm qua với bao biến chuyển thời cuộc, tôi hạnh phúc khi được chứng kiến rất nhiều khởi sự đổi thay của thành phố thân yêu này, để rồi nhận ra vùng đất đang bao dung mình ngày càng trù phú, văn minh và hạnh phúc.

Ảnh: BỬU TÌNH

1. Tôi chọn năm 2000 làm dấu mốc cho “kỷ nguyên thay đổi”. Năm 2002, một Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) tầm quốc gia được thành lập ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố. Những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Samsung… lần lượt đặt nhà máy tại đây. Trong 20 năm phát triển, SHTP đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng số vốn trên 12 tỷ USD. Chỉ một khu công nghiệp nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao ở đây chiếm tới gần 52% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cả TPHCM!

Nhớ ngày trước, khi ngày ngày tôi đạp xe đi về từ Làng đại học Thủ Đức và trung tâm TPHCM, khu vực cửa ngõ Đông Bắc dọc xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp) chỉ là mảnh đất sình lầy, nhà cửa thưa thớt xen giữa những vườn cây nép mình bên xa lộ. Nhưng từ khi có SHTP, nơi đây đã khác. SHTP có tính chất đặc biệt, tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, huy động các nguồn lực trong nước về KH-CN và hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại. “SHTP đang chuyển đổi cơ sở cạnh tranh. Các chương trình đột phá chiến lược giai đoạn 2020-2025 là nâng cấp nguồn nhân lực và tiềm lực KH-CN; phát triển công nghiệp hỗ trợ quanh các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiến lược. SHTP chủ động thu hút đầu tư theo hướng tập trung các ngành, lĩnh vực ưu tiên quốc gia, dự án có giá trị gia tăng cao, suất đầu tư lớn”, PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP, cho hay. Chưa dừng ở đó, SHTP còn triển khai Khu Công viên KH-CN với diện tích gần 200ha, tiếp tục đi đầu trong nhiệm vụ đổi mới sáng tạo, phát triển bằng năng lực nội sinh.

TPHCM không chỉ có một SHTP. Cách SHTP hơn 20km về hướng Tây Bắc của TPHCM chính là Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), nơi có một lịch sử đặc biệt gắn liền với sự phát triển ngành công nghệ thông tin của thành phố. QTSC thành hình vào năm 2001, nhiều cơ sở hạ tầng được đầu tư, giao thông kết nối, đưa QTSC thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư công nghệ thông tin trên khắp thế giới. QTSC đã thu hút được 149 doanh nghiệp ở lĩnh vực này với 650 sản phẩm, giải pháp công nghệ; nơi đây đang có 21.621 người học tập, làm việc hàng ngày. QTSC là công viên phần mềm đầu tiên, lớn nhất tại Việt Nam và luôn thể hiện vai trò tiên phong. Theo lãnh đạo QTSC, để lớn mạnh và phát triển, sự đổi mới bắt buộc phải diễn ra. Giờ đây, mục tiêu của QTSC lớn hơn, là trở thành nơi dẫn dắt cho hoạt động thành lập chuỗi nhằm tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp phần mềm và khởi nghiệp sáng tạo.

Xuôi về khu vực phía Nam TPHCM, nơi có Khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên của cả nước, đã thu hút được 233 dự án đầu tư đến từ 25 quốc gia và khu vực, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 2,1 tỷ USD… Giờ đây, với yêu cầu phát triển của thành phố trong tình hình mới, TPHCM đang đánh giá lại công năng Khu chế xuất Tân Thuận để tìm hướng phát triển mới, sang thu hút và phát triển các ngành công nghệ cao có tiềm năng với hàm lượng tri thức cao. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở QH-KT TPHCM, định hướng là chuyển đổi Khu chế xuất Tân Thuận sang mô hình Business Park (khu công nghệ) và kinh tế dịch vụ hỗn hợp, lấy lĩnh vực công nghệ phần mềm, công nghiệp sáng tạo và công nghiệp nội dung số làm chủ lực.

2. SHTP, QTSC và Khu chế xuất Tân Thuận như “thế chân vạc”, như ba góc của một tam giác “đô thị công nghệ”, đã gắn kết và lan tỏa những giá trị sống mới cho vùng và toàn TPHCM. Cận kề Khu chế xuất Tân Thuận là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Năm 2008, Phú Mỹ Hưng là khu đô thị đầu tiên của cả nước được Bộ Xây dựng công nhận đạt chuẩn khu đô thị kiểu mẫu. Nhiều lần đến đây, văn minh mà tôi nhìn thấy là các khu nhà ấm cúng, hiện đại; lề đường sạch bong; người đi bộ, đạp xe đạp rất đông vào những ngày cuối tuần... Hạ tầng đồng bộ, mảng xanh bao phủ, người dân hòa mình vào thiên nhiên ngay chốn đô thị chứ không trốn mình trong phòng máy lạnh. Tương tự, quanh SHTP hay QTSC đều đã thay đổi, diện mạo đời sống đã khác xưa nhiều. Đời sống văn minh cũng hiện diện khi ở đây vừa kiến tạo môi trường sống gần với thiên nhiên mà vẫn đầy đủ các tiện ích hiện đại.

Nhưng điều tôi mong muốn không chỉ là đô thị “lớn lên” về mặt kinh tế, mà còn là những dịch vụ công cộng trong đời sống mà người dân có thể hưởng thụ. Giờ đây, luôn có rất đông du khách đến TPHCM du lịch, tự tin tung tăng khắp phố với xe đạp cùng chiếc smartphone. Ở bất kỳ con hẻm nào giữa phố, chỉ cần mở điện thoại di động thì người dân, du khách có thể giải quyết được hầu hết các nhu cầu, từ thanh toán, tìm kiếm đến đi lại...

Thành phố với hạ tầng mạng Internet, sóng 4G và sắp đến là 5G phủ rộng khắp đã mang đến nhiều giá trị cho tất cả mọi người. Văn minh của thành phố còn là mạng lưới xe buýt rộng khắp. TPHCM cũng đã quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 220km. Cùng với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sắp đưa vào sử dụng, tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) sẽ khởi công vào một ngày không xa… Tất cả những khía cạnh đó, từ thượng tầng đến từng chi tiết cụ thể trong đời sống người dân, là hiển hiện của sự vặn mình phát triển của một đại đô thị với đời sống của người dân ngày một nâng cao.

3. Xây dựng thành phố thông minh để gia tăng chỉ số hạnh phúc người dân là một trong những mục tiêu hướng đến của chính quyền TPHCM. Theo Sở TT-TT, thành phố đang tập trung xây dựng chính quyền số, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, triển khai các ứng dụng tăng sự tương tác giữa chính quyền và người dân, mang lại các tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Từng bước gia tăng chỉ số hạnh phúc của người dân, thành phố cũng vừa ra mắt phần mềm lắng nghe mạng xã hội Socialbeat, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý hơn 1 tỷ nội dung thông tin mỗi ngày. Socialbeat thu thập dữ liệu từ Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng online khác, giúp các cơ quan quản lý nhà nước chủ động tiếp nhận và hiểu rõ hơn ý kiến và nhu cầu của người dân… “Từ đó, chính quyền có các đề xuất tối ưu hóa chiến lược, định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với nhu cầu, mong muốn chính đáng của người dân…”, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, chia sẻ. Thành phố cũng đã triển khai thành lập Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ chuyển đổi số thành phố (DXCenter) và Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM với những nhiệm vụ quan trọng giúp nâng cao chất lượng phục vụ, tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Khi nhắc đến thành phố thông minh, chúng ta không chỉ nói về công nghệ, mà còn là cách làm, cách hành động để người dân hạnh phúc hơn, cải thiện cuộc sống bền vững hơn. TPHCM đang sử dụng công nghệ để “cảm nhận” và hiểu những điều đó. Cho nên trù phú, văn minh và hạnh phúc là cả một hành trình nội tại của thành phố không ngừng chuyển động để chúng ta cảm nhận rõ rệt qua nhiều cột mốc, nhiều công trình đáng nhớ. Thành phố gắn kết để cùng phát triển, xây đắp những giá trị mà mỗi người dân đều có thể thụ hưởng, đo đếm và cảm nhận được