Kết luận của Bộ Chính trị về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo

|

Tập trung nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Có cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, nhất là chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học giỏi, nhân tài.

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW (ngày 1-11-2012) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Theo đó, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW gắn với Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 45-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo.

Từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, hành động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, xác định phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; gắn với phát triển kinh tế - xã hội của ngành, vùng, địa phương, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kết luận số 69-KL/TW yêu cầu đổi mới tư duy, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về KH-CN và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về KH-CN và đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Bảo đảm sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước và có chính sách thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp dành cho hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo; ưu tiên, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực và thị trường KH-CN, hợp tác quốc tế. Tập trung nâng cao tiềm lực KH-CN và đổi mới sáng tạo quốc gia. Tiếp tục sắp xếp, đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với các tổ chức KH-CN công lập nhằm thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia, ngành, vùng, nguồn lực trong và ngoài nước. Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các đại học trọng điểm quốc gia tăng cường hoạt động giảng dạy gắn với nghiên cứu, phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo. Có cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đội ngũ cán bộ KH-CN, nhất là chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học giỏi, nhân tài. Khuyến khích thu hút, tạo nguồn cán bộ khoa học từ sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, có tiềm năng.

Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Hình thành các trung tâm và mạng lưới đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với khu công nghệ cao, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu; triển khai các hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng về KH-CN và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục. Phát triển các hướng nghiên cứu, giải pháp công nghệ gắn với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế số trên nền tảng KH-CN và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng gắn với các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; chú trọng vùng trọng điểm và phát huy lợi thế của từng khu vực. Thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi; chủ động, kịp thời cập nhật, ứng dụng phát triển các dịch vụ, sản phẩm chủ lực góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế về KH-CN và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam.

Xem toàn văn Kết luận số 69-KL/TW ở đây.