Tìm động lực cho kinh tế số

|

TPHCM đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế số, với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); đến năm 2030 góp 40% vào GRDP. Các chỉ tiêu của thành phố cao hơn bình quân cả nước 5%-10%.

Xác định nhiều lợi thế

Năm 2021, lần đầu tiên TPHCM đánh giá được đóng góp của kinh tế số trong GRDP ở góc độ nghiên cứu khoa học là 15,38% (chưa bao gồm thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ). Năm 2022, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của thành phố ước đạt 18,66%... TPHCM xác định năm 2024, kinh tế số chiếm tỷ trọng 22%, đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 25%.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết, Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị đã giao cho TPHCM nhiệm vụ đến năm 2030 trở thành lá cờ đầu cả nước về kinh tế số. Vì vậy, thời gian qua, TPHCM đã chủ động thực hiện nhiều đầu việc để thúc đẩy kinh tế số. Thành phố lồng ghép các giải pháp vào chỉ tiêu phát triển kinh tế số trong nghị quyết của Đảng bộ, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của thành phố.

Thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng bằng mã quét tại một quán ăn trên địa bàn quận 3, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Hiện TPHCM phát triển hạ tầng số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thủ tục hành chính, giáo dục, y tế, giao thông vận tải… Tuy nhiên, ông Lâm Đình Thắng cho rằng, TPHCM đang gặp 3 thách thức lớn trong phát triển kinh tế số. Đó là nhận thức ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa đầy đủ; phương pháp, công cụ đo lường chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhiều…

Ông Hà Thân, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, chia sẻ, người dân và doanh nghiệp đang nhìn về kinh tế số rất đơn giản, gồm

4 không: không giấy tờ (định danh điện tử, hóa đơn điện tử, trình ký điện tử); không tiền mặt; không tiếp xúc (họp, học trực tuyến, thiết bị tự động hóa…); không phụ thuộc (nơi chốn, thiết bị, thời gian)… Ông Hà Thân đề xuất thành phố nên cân nhắc lựa chọn các lĩnh vực kinh tế ưu tiên để tập trung chuyển đổi số; cần có lộ trình chuyển đổi số kinh tế để tăng trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp… đối với kinh tế số, chính quyền số.

Trong khi đó, GS-TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ TT-TT, đề xuất, muốn kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì TPHCM cần lực lượng sản xuất mới là công nghệ số; nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số; yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số; và động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Theo đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế số ở các lĩnh vực trọng điểm, tạo đột phá về kinh tế số, là công nghiệp chế biến, chế tạo; dệt may; logistics; nông nghiệp và dịch vụ...

Gắn kết với chuyển đổi số

TPHCM xác định kinh tế số trong nền kinh tế ngày càng vững chắc, trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ổn định và bền vững dựa trên 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng ổn định; chuyển đổi số các ngành công nghiệp tạo động lực cho tăng trưởng bền vững; quản trị số đóng vai trò quan trọng bảo đảm cho tăng trưởng ổn định; giá trị hóa dữ liệu tạo ra sức mạnh mới cho tăng trưởng ổn định.

“Để thúc đẩy kinh tế số, ngay từ đầu năm 2024, thành phố đã triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể và người dân chuyển đổi số thông qua hoạt động triển khai đào tạo, tư vấn chuyển đổi số; hỗ trợ sử dụng các nền tảng số với giá rẻ”, ông Lâm Đình Thắng cho biết.

Năm 2024, TPHCM tập trung hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số phát triển, tạo động lực để thúc đẩy doanh nghiệp trong các ngành kinh tế thực hiện chuyển đổi số; phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số; cải thiện môi trường đầu tư, hoạt động trong Khu Công nghệ cao phù hợp với Nghị quyết số 98/2023/QH15 nhằm thúc đẩy phát triển KH-CN trong lĩnh vực công nghệ số…

Trong chuyển đổi số, thành phố hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai, vận hành hệ thống thông tin quản lý đất đai và hệ thống thông tin quản lý cấp phép xây dựng thống nhất trên toàn thành phố… và có hướng khai thác kinh tế số từ những nền tảng trên, tức là gắn kết chuyển đổi số với kinh tế số.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã đi vào cuộc sống, từ đây cho phép thí điểm các cơ chế, chính sách (sandbox) mà đối với kinh tế số cần những thử nghiệm rất quan trọng. Do đó, thành phố cần tận dụng để đưa ra những cơ chế, chính sách mới nhằm triển khai sớm kinh tế số một cách hiệu quả.