Vinh danh 10 nhà khoa học trẻ nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023

|

Tối 27-10, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ KH-CN đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng, đồng thời vinh danh 10 gương mặt nhà khoa học trẻ đạt giải thưởng này năm 2023. Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tới dự.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trao giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu Vàng năm 2023.

Phát biểu tại buổi lễ, nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng lao động chất lượng cao đối với tương lai đất nước, Phó Chủ tịch nước đề nghị Trung ương Đoàn, Bộ KH-CN tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất với Đảng, Nhà nước các giải pháp để hoàn thiện hệ thống chính sách, thu hút và trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc có cơ hội phát huy năng lực, cống hiến tốt nhất cho đất nước.

Sau 20 năm tổ chức, Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng đã vinh danh 204 cá nhân xuất sắc trong 5 lĩnh vực: công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa, công nghệ y - dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.

Nhiều công trình khoa học của các chủ nhân Quả cầu vàng có giá trị, ứng dụng thực tiễn giải quyết những vấn đề cấp bách của đời sống xã hội, khẳng định vị thế của khoa học công nghệ Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong số 10 gương mặt được nhận giải thưởng năm nay, nhiều cá nhân có bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, có nhiều công bố quốc tế chất lượng cao thuộc danh mục Q1, nhiều giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế.

Cũng trong buổi lễ, Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam đã được trao cho 20 nữ sinh xuất sắc tiêu biểu, đại diện cho những tấm gương về học tập, nghiên cứu và rèn luyện của nữ sinh viên trên cả nước.

Danh sách 10 nhà khoa học trẻ đạt giải thưởng Quả cầu vàng:

1. TS Trịnh Văn Chiến, 34 tuổi (Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội), với nghiên cứu xem xét việc tích hợp công nghệ cực nhiều ăng ten trong mạng phi tế bào và bề mặt phản xạ thông minh dưới ảnh hưởng của tương quan không gian giữa các phần tử tán xạ.

2. TS Phạm Huy Hiệu, 31 tuổi (Trường đại học VinUni) với nghiên cứu "Hệ thống VAIPE theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt".

3. TS Nguyễn Trọng Nghĩa, 33 tuổi (Đại học Adelaide, bang Nam Úc), nghiên cứu phát triển một loại ăng ten có thể đồng thời tái cấu hình với các tham số khác nhau, ứng dụng rộng rãi trong nhiều loại ăng ten đa chức năng cần tự điều chỉnh một cách linh hoạt tần số và độ phân cực.

4. TS-BS Ngô Quốc Duy, 34 tuổi (Bệnh viện K), nghiên cứu phát triển kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp qua tiền đình miệng thông qua ứng dụng kỹ thuật trong nạo vét hạch cổ bên điều trị ung thư tuyến giáp.

5. TS Hà Thị Thanh Hương, 34 tuổi (Đại học Quốc gia TPHCM), nghiên cứu phần mềm Brain Analytics, phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh, đã được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%.

6. TS-BS Trịnh Hoàng Kim Tú, 35 tuổi (Đại học Y Dược TPHCM), với nghiên cứu "Khảo sát kỹ thuật tế bào trong chẩn đoán dị ứng hải sản".

7. TS Lê Đình Anh, 34 tuổi (Đại học Quốc gia Hà Nội), với nghiên cứu biên dạng cánh cải tiến giúp tăng mô men và công suất khí động cho tua bin gió Savonius 5,5% ở tỉ tốc gió thấp và tới 185% ở dải tỉ tốc cao ~1,5.

8. TS Ngô Ngọc Hải, 32 tuổi (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), với nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới các loài động vật nói chung và nhóm các loài bò sát nói riêng, dựa trên các mô hình thuật toán dự đoán.

9. ThS Nguyễn Hồ Thùy Linh, 33 tuổi (Đại học Quốc gia TPHCM), với công trình nghiên cứu có ý nghĩa trong lĩnh vực khoa học vật liệu mới khi đã nghiên cứu khả năng xúc tác của Zr và Hf-MOF trong phản ứng tổng hợp 2-arylbenzoxazole.

10. PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, 35 tuổi (Trường đại học Cần Thơ), với nghiên cứu đưa ra giải pháp tận dụng hiệu quả lượng lớn bùn lắng từ các nhà máy xử lý nước và tro bay nhiệt điện để sản xuất vật liệu cường độ thấp có kiểm soát (CLSM), với định hướng ứng dụng trong san lấp mặt bằng nhằm thay thế nguồn cát san lấp đang rất khan hiếm hiện nay.