SIM “rác” vẫn được bày bán

|

Để ngăn chặn tình trạng SIM “rác” tràn lan, Bộ TT-TT vừa đưa ra quy định siết chặt hoạt động bán sim di động tại các đại lý ủy quyền của các nhà mạng trên toàn quốc từ ngày 10-9.

Ghi nhận thực tế tại các cửa hàng bán SIM trên địa bàn TPHCM vào trưa 13-9 cho thấy, tình trạng kinh doanh SIM tuy không còn sôi động như trước, nhưng nếu muốn mua SIM vẫn không khó.

Tại một cửa hàng bán phụ kiện điện thoại trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chủ cửa hàng cho biết, hiện cửa hàng còn một vài SIM đã kích hoạt từ trước, chỉ cần mua về là dùng. Đối với nhà mạng Viettel, khách hàng có nhu cầu thì đến các cửa hàng, điểm giao dịch Viettel để mua.

“Tới đây, chúng tôi cũng sẽ không kinh doanh SIM số giá rẻ nữa vì lợi nhuận không cao và muốn bán SIM phải đăng ký chính chủ cho khách hàng, rất mất thời gian”, một chủ cửa hàng nhà mạng Viettel cho biết.

Nói về quy định dừng bán SIM tại các đại lý, chủ một số cửa hàng kinh doanh cho hay, vẫn chưa có thông báo từ nhà mạng nên việc mua bán vẫn diễn bình thường. “Cửa hàng vẫn cố tiêu thụ hết các SIM đã kích hoạt sẵn để thu hồi vốn. Đối với các SIM số đẹp, SIM phong thủy của các nhà mạng Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile, hiện cửa hàng vẫn tiếp tục kinh doanh đến khi có thông báo chính thức”, một chủ cửa hàng trên đường Ba Tháng Hai (quận 10) chia sẻ.

Thực tế không chỉ dễ dàng mua SIM ở các cửa hàng, SIM “rác” còn được bán công khai trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee… Một shop trên sàn Lazada giới thiệu SIM nhà mạng Vietnamobile đã kích hoạt sẵn, giá chỉ 26.000 đồng, với gói ưu đãi “khủng” như: có 5G data/ngày, nghe gọi miễn phí trong 20 ngày đầu… Hay SIM nhà mạng Mobifone có giá chỉ 90.000 đồng với hàng loạt gói cước như có 4G data/ngày, nghe gọi miễn phí…

Thống kê cho thấy, trong số 1,5 triệu SIM được bán ra thị trường gần đây, có tới 80% phát hành qua kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng, 10% được bán trực tiếp từ nhà mạng qua các cửa hàng giao dịch và 10% qua kênh chuỗi gồm các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn.

Trong số đó, kênh đại lý được đánh giá là nguồn tạo ra nhiều SIM không chính chủ nhất. Do đó, việc tăng cường quản lý, kiểm tra, thậm chí xử phạt nặng nhằm thực hiện đúng quy định của Bộ TT-TT là điều cần làm ngay, góp phần chấn chỉnh, xóa bỏ tình trạng SIM “rác” quấy nhiễu người dùng trong thời gian qua.

Xóa bỏ SIM rác, ngăn chặn tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo