Cơ hội bứt phá cho ngành game

|

Thường trực Chính phủ vừa có thông báo kết luận, trong đó nêu rõ kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) sẽ chưa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Thông báo này không chỉ giải tỏa lo lắng cho các doanh nghiệp (DN) game online Việt Nam mà còn tạo cơ hội để ngành game phát triển, hướng đến mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp này tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội.

Doanh nghiệp Việt bị cạnh tranh gay gắt

Số liệu của Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho thấy, chỉ có 15% trong 200 DN game đã đăng ký còn hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, mỗi năm, game không phép xuyên biên giới đạt doanh thu 5.000 tỷ đồng, chiếm 30% tỷ trọng của thị trường phát hành game tại Việt Nam.

“Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành game, tuy nhiên phải đối mặt với nhiều định kiến, chưa thực sự được khuyến khích phát triển. Vì vậy, DN trong nước gặp nhiều khó khăn và tốc độ phát triển còn hạn chế. Suốt nhiều năm, DN game nội địa phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu, dần mất đi sức cạnh tranh trên chính sân nhà”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam, cho biết.

Một hội nghị kết nối các doanh nghiệp ngành game do Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) tổ chức

Trên thế giới, ngành game là trụ cột trong ngành nội dung số và kinh tế số. Theo ước tính từ Newzoo, tổng doanh thu ngành game năm 2022 trên thế giới đạt 184 tỷ USD và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 194 tỷ USD. Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á được xem là thị trường mới nổi, với lượng người dùng internet lớn và đang tăng nhanh. Mức tăng trưởng doanh thu ngành game ở Đông Nam Á giai đoạn 2020-2025 trung bình là 8,2%/năm, ở Việt Nam là gần 9%/năm nên rất được các DN game nước ngoài quan tâm. Nhiều quốc gia phát triển xem ngành game như một trụ cột trong quá trình phát triển kinh tế số. Hoạt động của ngành game cũng ảnh hưởng đến doanh thu của các sản phẩm bổ trợ khác như nhân lực ngành công nghệ thông tin, sáng tạo nội dung, thiết kế, quảng cáo, thiết bị phần cứng (PC, mobile, chip xử lý), mạng viễn thông…

Lãnh đạo một DN sản xuất game cho rằng, việc sản xuất hay phát hành game của các DN Việt Nam ở thị trường trong nước không mấy khó khăn nhưng vấn đề nằm ở việc phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, phải cạnh tranh với DN nước ngoài bởi họ không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ khoảng 15% số DN game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động, 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các chính sách về thủ tục, hạ tầng, thuế suất…

Bộ TT-TT đặt mục tiêu trong 5 năm tới, ngành game Việt Nam đạt doanh thu 1 tỷ USD, số lượng đơn vị phát hành lên mức 100 - 150 DN, kéo thêm khoảng 400 dự án khởi nghiệp mới trong lĩnh vực này.

Hạn chế game xuyên biên giới

Để thúc đẩy ngành game trong nước phát triển, ngày 24-7 mới đây, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật liên quan. Theo thông báo này, trước mắt, chưa đưa kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Theo ông Thái Thanh Liêm, Giám đốc điều hành Studio game Topebox, đây là điều mà các DN game trong nước mong chờ. “Nếu áp thuế TTĐB với game sẽ khiến các DN trong nước có xu hướng dịch chuyển thành lập DN ở nước ngoài như Singapore, rồi cung cấp dịch vụ game online xuyên biên giới vào Việt Nam để tránh thuế cao. Mặt khác, việc áp dụng thuế TTĐB sẽ không khuyến khích được DN game trong nước tăng cường đầu tư phát triển, trong khi đây là một trong số ít những ngành nghề có tiềm năng lớn”, ông Thái Thanh Liêm chia sẻ.

Song song đó, theo các chuyên gia, để ngành game trong nước phát triển, việc ngăn chặn game không phép xuyên biên giới phải quyết liệt hơn. Tại hội nghị triển khai các giải pháp quản lý kênh thanh toán đối với game do Bộ TT-TT chủ trì mới đây, các đại biểu cho rằng, game không phép xuyên biên giới chiếm lĩnh thị trường trong nước là do việc thanh toán cho game hiện nay dễ dàng bằng nhiều hình thức, các trung gian thanh toán không chủ động kiểm tra, thậm chí không kiểm tra được dẫn tới việc nạp tiền cho game không phép, cờ bạc… Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm, Bộ TT-TT sẽ phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để có những biện pháp ngăn chặn game không phép. Cụ thể, Bộ TT-TT sẽ yêu cầu các tổ chức, DN cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện các giải pháp ngăn chặn, không kết nối và thanh toán cho các game không phép qua hệ thống thanh toán của đơn vị mình hoặc khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước.

* Ông TRẦN PHƯƠNG HUY, Giám đốc VTC Intecom: Quản lý tốt thay vì áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt

Mục tiêu của áp thuế TTĐB là nhằm điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, tăng thu ngân sách nhà nước, nhưng nếu áp dụng thuế này với ngành game lại hoàn toàn khác. Theo số liệu của Liên minh game Việt Nam, cứ 100 người tham gia game online thì chỉ có dưới 10 người trả tiền (chính xác là 5,8 người), có 90% người chơi không trả tiền. Điều này đồng nghĩa việc điều chỉnh hành vi người thu thuế là điều chỉnh hành vi của 5,8 người, một con số rất nhỏ, không thể đạt mục tiêu. Ngay khi chưa áp thuế TTĐB, người tiêu dùng đã sử dụng dịch vụ nước ngoài, do đó, việc áp thuế với ngành game online đang vô tình gia tăng tính cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến bảo hộ ngược cho DN game nước ngoài.

Trên thế giới, Trung Quốc và Hàn Quốc có biện pháp điều chỉnh hành vi là tạo ra sự kết nối giữa chính phủ, DN liên quan đến thông tin người dùng thông qua CCCD và số điện thoại chính chủ. Từ năm 2010, Trung Quốc đã quy định rõ, tùy độ tuổi, người chơi được phép chơi trong bao lâu, khung giờ cụ thể như thế nào, thanh toán bao nhiêu, từ đó kiểm soát tốt 70% trẻ vị thành niên chơi game dưới 3 giờ/tuần, tỷ lệ game thủ trẻ tuổi giảm 32% (từ 122 triệu người xuống 82 triệu người trong năm 2020). Việt Nam có thể áp dụng bài học thành công từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Nếu chúng ta bổ sung quy định cấp CCCD gắn chip cho nhóm đối tượng dưới 14 tuổi để khi trẻ vị thành niên tạo tài khoản chơi game trực tuyến sẽ phải gửi xác thực đến cơ quan quản lý, giúp Nhà nước và cả DN quản lý tài khoản của người chơi game trên nền tảng trực tuyến chặt chẽ hơn, từ đó quản lý và kiểm soát hành vi người tiêu dùng thay vì áp dụng chính sách thuế TTĐB.

* Ông LÃ XUÂN THẮNG, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG: Nhìn nhận một cách tích cực và hợp xu hướng

Ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… game online không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng, mà còn được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hóa. Gần đây, một số quốc gia như Singapore, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất... đã có nhiều chính sách thu hút các tập đoàn, công ty game đến đặt trụ sở và hoạt động.

Game là ngành công nghiệp trí tuệ, có sức sáng tạo cao, là nơi áp dụng những công nghệ mới như công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ thực tế ảo VR, công nghệ học tập ảo và là thể thao điện tử - bộ môn đã được Ủy ban Olympic công nhận đưa vào thi đấu chính thức tại các kỳ đại hội thể thao… nên cần nhìn nhận một cách tích cực và hợp xu hướng. Tại Việt Nam, kinh doanh game online là một ngành kinh doanh có điều kiện, phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đảm bảo các yêu cầu về yếu tố nội dung khi đưa ra thị trường và luôn có sự phân loại độ tuổi, khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng. Trong khi đó, hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, không bị quản lý bởi cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời cũng không đóng bất cứ khoản thuế nào cho Việt Nam. Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này nhưng chưa có giải pháp khả thi

BÌNH LÂM - KIM THANH ghi