Nhiều thách thức đặt ra với thanh toán không tiền mặt

|

Thanh toán không dùng tiền mặt là một xu thế thanh toán hiện đại, tiết kiệm chi phí… và đã được các cấp có thẩm quyền quan tâm, chỉ đạo sát sao nhưng thực tế cũng đặt ra nhiều thách thức.

Tiến sỹ Hoàng Văn Ninh, Phó Viện trưởng IDS báo cáo đề tài tại hội thảo

Ngày 1-7, tại TPHCM, Viện Chiến lược phát triển Kinh tế số (IDS) tổ chức hội thảo khoa học góp ý về đề tài “Phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” do Tiến sĩ Hoàng Văn Ninh, Phó Viện trưởng IDS làm chủ nhiệm đề tài.

Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Ninh, đề tài với mục đích nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của pháp luật về hoạt động phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; phân tích các hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành; kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như bảo đảm sự điều chỉnh hợp lý các chính sách pháp luật về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thực tiễn hiện nay.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: Số lượng tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng thương mại đạt khoảng 68,7 triệu tài khoản, khoảng 70 tổ chức tín dụng đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và khoảng 36 ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 21 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán… góp phần đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt.

“Hành lang pháp lý phục vụ hoạt động thanh toán điện tử chưa hoàn thiện. Trong đó, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán trực tuyến, tiền ảo, tiền điện tử... là những vấn đề phức tạp đến nay chưa có hướng dẫn của các cơ quan quản lý hoặc đang trong giai đoạn thí điểm”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ tại hội thảo.

Từ năm 2016 đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thanh toán đã được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành, tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên cơ sở ứng dụng các công nghệ thanh toán hiện đại. Trong đó, Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24-12-2018 quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, cụ thể hóa giá trị pháp lý của giao dịch điện tử và chứng từ điện tử trong hoạt động tài chính…

“Hiện nay Chính Phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng một số nghị định có tác động, ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt với các nội dung hướng đến việc quy định cụ thể và làm rõ bản chất của các phương tiện thanh toán, trong đó có tiền điện tử; hay phạm vi, cách thức quản lý các phương tiện thanh toán, loại hình dịch vụ thanh toán; bổ sung các hành vi bị cấm nhằm xử lý các vi phạm về lĩnh vực thanh toán…”, Thạc sĩ Phạm Ngọc Lâm chia sẻ tại hội thảo

“Hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện để tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt”, Thạc sĩ Phạm Ngọc Lâm cho biết.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tiến sĩ Trần Văn, Viện trưởng IDS cho biết, việc phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt vẫn đang là một thách thức lớn với các cơ quan hoạch định chính sách tại Việt Nam khi các dịch vụ, phương tiện thanh toán không sử dụng tiền mặt hiện nay phần lớn cung ứng cho các đối tượng có thu nhập khá ở đô thị; trong khi tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, công nghệ thanh toán không ngừng phát triển… đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện hành lang pháp lý để thanh toán không dùng tiền mặt vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khuyến khích đổi mới sáng tạo và phải bảo đảm thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trong nền kinh tế số. Do đó, việc nghiên cứu đề tài “Phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” để xác định định hướng, giải pháp phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam trong thời gian tới là hết sức cần thiết.