Ngòi bút trẻ: Tư duy hiện đại, đón đầu bạn đọc thời 4.0

|

Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí - truyền thông càng được đẩy mạnh và chú trọng hơn bao giờ hết, bởi từ đây sẽ làm động lực lan tỏa thế mạnh 4.0 đến nhiều lĩnh vực trong đời sống - xã hội. 

Chiều 15-6, Ban Thường vụ Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM tổ chức Diễn đàn “Số hóa báo chí - Đổi mới tư duy” và lễ tuyên dương giải thưởng Ngòi Bút trẻ năm 2023.

Chương trình được thực hiện bởi Đoàn Cơ sở Báo Sài Gòn Giải Phóng, Liên Chi đoàn Báo Tuổi Trẻ - Đoàn Cơ quan Thành Đoàn và Chi đoàn Báo Pháp luật Thành phố.

Các diễn giả khách mời thảo luận tại diễn đàn “Số hóa báo chí - Đổi mới tư duy”. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Diễn đàn nhằm cung cấp thông tin tổng quan về quá trình chuyển đổi số trong báo chí khu vực Đông Nam Á; góc nhìn về cuộc đua chuyển đổi số và nỗ lực chuyển mình của báo chí tại Việt Nam, cũng như các kỹ năng số cần thiết để phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là các bạn trẻ đón đầu môi trường báo chí theo hướng chuyển đổi số.

Tại diễn đàn, nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Sài Gòn Giải Phóng, chia sẻ: “Nhiều cơ quan báo chí tại TPHCM đều đã thiết kế riêng lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, hướng đến sự đổi mới hiệu quả. Không thể phủ nhận công nghệ hiện đại tạo ra nhiều tiện ích nhưng cũng tạo ra những thách thức lớn, đòi hỏi các đơn vị báo chí phải đổi mới tư duy, cách làm để bắt kịp môi trường làm việc hiện đại, giữ vững vai trò là kênh thông tin chính thống, tin cậy và có sức hút độc giả”.

Đồng chí Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trước bối cảnh và nhu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, đòi hỏi mỗi đơn vị báo chí cần có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, từ đó đổi mới hiệu quả.

Chia sẻ về ứng dụng chuyển đổi số tại Singapore, TS Adhvaidha Kalidasan, giảng viên bộ môn Asian Media and Communications - ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, cho biết: “Một số cơ quan truyền thông tại Singapore ứng dụng rất nhiều phần mềm công nghệ, để giải phóng bớt sức lao động của phóng viên, biên tập viên. Trong truyền hình, họ dùng trí tuệ nhân tạo xử lý video, nhận diện giọng nói… và thiết kế riêng một phần mềm xử lý video từ cơ sở dữ liệu, sau đó đăng tải trực tiếp lên các hệ sinh thái của họ quản lý”.

TS Adhvaidha Kalidasan chia sẻ về chủ đề “Báo chí khu vực Đông Nam Á đang thay đổi ra sao trong thời đại của trí tuệ nhân tạo?”. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tại Việt Nam, ngày 5-6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí và Cổng thông tin điện tử https://pdt.gov.vn nhằm phục vụ công tác đánh giá, xác định mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí Việt Nam. Điều đó cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong vòng xoay này.

Tuy nhiên, 4.0 không chỉ có công nghệ, thiết bị mà cốt lõi vẫn là tâm thế người làm báo, với tư duy sẵn sàng học hỏi và làm mới quá trình tác nghiệp của chính mình. Nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ, chia sẻ: “Bạn đọc Việt Nam ngày càng gần với bạn đọc thế giới, nhiều yêu cầu cao trong việc tiếp nhận thông tin. Việc chuyển đổi số, phải bắt đầu từng bước một, có nhóm nghiên cứu và đặt hàng riêng cho nội bộ để phát triển dần. Vấn đề không phải có thật nhiều tiền hay công nghệ hiện đại nhất, quan trọng là tìm mô hình phù hợp với cơ quan mình để ứng dụng thì mới hiệu quả. Tâm thế người làm báo trong vòng xoay chuyển đổi số là rất quan trọng, mỗi người cần hiểu rõ những điểm mạnh yếu của bản thân mình, để phát huy và khắc phục, tự học và làm mới mình để bắt kịp với công nghệ và xu hướng mới từng ngày”.

Không riêng báo chí - truyền thông, chuyển đổi số là xu hướng chung trong nhiều lĩnh vực. Công nghệ hay trí tuệ nhân tạo khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu công nghệ có thay thế sức người? Câu trả lời nằm ở chính mỗi người, phải có tâm thế sẵn sàng đón nhận tư duy mới để phụng sự bạn đọc.

Ông Nguyễn Hoàng Nguyên - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Nhà báo Đỗ Thiện, Thư ký toà soạn, Trưởng ban Truyền hình - Đa nền tảng Báo Pháp luật TPHCM, chia sẻ "Góc nhìn về cuộc đua số hóa và nỗ lực chuyển mình của báo chí tại Việt Nam”. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Ông Hoàng Anh Tuấn, Quản lý Sản phẩm, CoderSchool, chia sẻ về “Kỹ năng số để các phóng viên hoạt động hiệu quả trong môi trường làm việc số hóa”. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Nhà báo Phạm Hoài Nam, Báo Sài Gòn Giải Phóng, chia sẻ với sinh viên ngành báo chí - truyền thông Trường Đại học Nguyễn Tất Thành về nghiệp vụ làm báo. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Đến dự diễn đàn có các đồng chí: Phạm Văn Linh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Dân-Chính-Đảng Thành phố; Nguyễn Đức Trung, Phó ban Thiếu nhi Thành Đoàn TPHCM cùng các đồng chí trong Ban Biên tập và Ban TKTS các báo: Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi trẻ, Pháp luật TPHCM…

Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM cũng đã trao giải thưởng Ngòi bút trẻ cấp khối năm 2023, cho 30 phóng viên, biên tập viên thuộc Đoàn cơ sở các cơ quan báo đài tại TPHCM.

Báo Sài Gòn Giải Phóng có 5 phóng viên được trao giải: Đình Dư, Sỹ Bình, Anh Thư, Thanh Hải, Kim Loan.

Các thành viên Ngòi Bút trẻ cấp Khối năm 2023 chụp hình lưu niệm cùng các lãnh đạo, khách mời . Ảnh: ĐỨC CƯỜNG