QR ra vỉa hè

|

Người thành thị tất bật, phần nhiều trước khi vào sở làm thường ghé quán bún, quán phở bên đường ăn lót dạ. Người thảnh thơi cũng ghé quán vỉa hè nhâm nhi ly cà phê tán dóc, đọc báo, lướt mạng... Văn hóa vỉa hè ăn sâu vào tiềm thức người dân ở nhiều đô thị, nhất là các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội. Từ đó, kinh doanh vỉa hè cũng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách.

Trong dòng chảy đó, các tiện ích thanh toán đang dần xâm nhập hàng quán, mang lại những hiệu quả hết sức thiết thực cho người bán lẫn người mua, khơi thông dòng tiền trong dân cực kỳ mạnh mẽ.

Bước vô quán bún cá Quy Nhơn trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), anh Hồng Thành gọi tô bún. Ăn xong, chẳng cần gọi tính tiền, chỉ đưa điện thoại quét QR VNPay dán trên bàn. Sau vài thao tác, anh đã thanh toán xong tiền tô bún. Nghe anh Thành báo đã trả tiền, chị chủ quán nói lời cảm ơn trong khi vẫn chú tâm cắt chả, làm bún cho khách, không mất một giây nào cho việc lau tay rồi đến tận bàn tính tiền, thu tiền như trước đây.

“Giờ khỏe lắm chú! Mình khỏi mất công thu tiền, thối tiền. Cuối ngày, nhìn vào số tiền có trên ứng dụng, biết cả ngày bán được bao nhiêu tô, khỏi kiểm đếm, ghi chép sổ sách, đỡ đau đầu”, chị chủ quán cười tươi nói.

Ăn mì Quảng, chỉ cần quét mã QR để thanh toán

Ở một quán cà phê khác trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TPHCM), một nhóm học sinh ùa vào, rộn ràng. Cô nhân viên nói “9 ly nước hết 415.000 đồng”. Một học sinh nhanh tay cầm điện thoại quét mã MoMo của quán, chưa đến 10 giây đã thanh toán xong. Hóa đơn tính tiền được cầm về bàn, sau khi cộng trừ nhân chia, mỗi học sinh trong nhóm cũng nhanh chóng chuyển khoản qua mã QR cá nhân của nhau trên ứng dụng MoMo.

Nhiều hàng quán vỉa hè ở TPHCM hiện rất nhanh nhạy nắm bắt xu hướng công nghệ. Nhiều chủ quán dù mặt bằng chừng 2-3m2 đều có vài tài khoản ngân hàng, ví điện tử để sẵn sàng cho khách muốn thanh toán tiện lợi, thậm chí tương tác rất nhanh với các shipper công nghệ đặt món qua app.

Chiếc điện thoại di động thông minh là phương tiện thanh toán chủ yếu và giờ đây gần như các chủ quán vỉa hè đều biết quét QR code. Thậm chí, anh Thành Hưng (nhà ở quận Bình Tân, TPHCM) kể: “Tôi hay đi tập thể dục, ít khi mang theo tiền, chỉ có cái điện thoại di động. Có hôm bị thủng bánh xe, vậy mà ông chú sửa xe đạp cũng đồng ý trả tiền qua app”.

Ngày nay, có rất nhiều hình thức thanh toán mới mà giới trẻ tin dùng, như quét mã QR của các ứng dụng như Payoo, MoMo, VNPay, VietQR, ZaloPay… và mới đây nhất, Google mở ứng dụng thanh toán Google Wallet tại Việt Nam. Sự phát triển của hình thức thanh toán qua mã QR có “công lớn” của nhiều đơn vị fintech (công nghệ tài chính), trung gian thanh toán thông qua giải pháp mới trên công nghệ mã QR.

Ví điện tử MoMo vừa cập nhật tính năng QR nhận tiền, QR thanh toán giúp tối giản thao tác giao dịch. Tính năng cá nhân hóa mã QR cũng được bổ sung để người dùng tự do sáng tạo mã theo cá tính riêng.

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo, chia sẻ: “Tính năng thanh toán/chuyển trả bằng mã QR đã đơn giản hóa việc thanh toán cho cả người dùng và chủ doanh nghiệp. Thông qua đây, chúng tôi mong muốn đồng hành với tiểu thương, hộ kinh doanh để khuyến khích người dùng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QR, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao trải nghiệm khách hàng”.

Đối với người bán hàng nhỏ lẻ, việc sử dụng hình thức thanh toán qua mã QR giúp tăng cơ hội tiếp cận thêm khách hàng, số hóa sổ sách, quản lý dòng tiền, gạt bỏ nỗi lo tiền lẻ. MoMo, Payoo, VNPay… hiện gần như phủ khắp các hàng quán, người dùng, mang lại sự tiện lợi khắp nơi.

Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc VietUnion (chủ sở hữu ví điện tử Payoo), lý giải: “Một trong những nguyên nhân giúp mã QR ngày càng phổ biến là chi phí đầu tư cho hình thức thanh toán này không cao, triển khai nhanh chóng. So với thanh toán bằng thẻ ngân hàng cần đầu tư thiết bị, cấu hình kỹ thuật và phải thông qua kiểm định của các tổ chức tài chính thì thanh toán qua mã QR không cần máy móc chuyên biệt (do giao tiếp thanh toán bằng hình ảnh). Chỉ cần đầu quét của máy bán hàng, một chiếc điện thoại hay thậm chí một mã QR được đặt cố định tại quầy là người dùng có thể thanh toán xong một đơn hàng”.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%. Trong năm 2022, thanh toán di động ghi nhận tăng trưởng cả về số lượng và giá trị giao dịch. Dữ liệu công bố của hãng nghiên cứu thị trường Statista cho thấy, Việt Nam nằm trong tốp 3 quốc gia có tỷ lệ người dùng thanh toán qua di động và dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục gia tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên đến 30,2% trong giai đoạn 2020-2027.