Việt Nam tăng 7 bậc về chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu 2022

|

Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới và đứng thứ 6 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo - AI; điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 53.96, vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới.

Chiều 28-12, tại Hà Nội, Bộ KH-CN tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ KH_CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2023. Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng đại diện nhiều bộ ngành, địa phương.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: T.B.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong năm qua, việc tái cơ cấu các chương trình KH-CN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai. Trong đó tập trung vào các hướng nghiên cứu cơ bản, công nghệ ưu tiên, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trọng điểm, chủ lực trong các ngành, lĩnh vực. Bộ KH-CN đã xây dựng cơ chế quản lý nhiệm vụ nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đơn giản hoá quy trình, thủ tục trong thực hiện nhiệm vụ KH-CN.

Các chính sách, pháp luật về KH-CN và ĐMST góp phần tăng cường xác lập, bảo hộ, thực thi, khai thác tài sản trí tuệ; đẩy mạnh nhập khẩu dây chuyền, thiết bị đã qua sử dụng; trích lập Quỹ phát triển KH-CN; thu hút, trọng dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ tri thức; nâng cao hiệu quả hoạt động, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH-CN công lập.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam hiện có 4 “kỳ lân” công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis), khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.

Mô hình Techfest được lan tỏa và cộng hưởng trên cả nước, với hơn 10 Techfest vùng, địa phương được tổ chức trong năm 2022. Đồng thời, ra mắt nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương và cấp vùng cho thấy sự lớn mạnh của hệ sinh thái là kết quả nỗ lực sau 8 năm kể từ lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Điều này thể hiện trên bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII), trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ KH-CN chủ trì hội nghị. Ảnh T.B.

Trong năm 2022, Bộ KH-CN đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII). Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ KH-CN thực hiện và triển khai thí điểm với 20 địa phương, từ đó rút kinh nghiệm cũng như hoàn thiện phương pháp, cách thức triển khai, đánh giá tác động của bộ chỉ số với các địa phương.

PII được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để mỗi tỉnh/thành phố xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH-CN và ĐMST.

Bộ KH-CN cho biết, theo kết quả vừa được công bố trong báo cáo “Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ (Government AI Readiness Index) năm 2022” do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện, Việt Nam tăng 7 bậc về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu 2022. Trong lần đánh giá này, Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới và đứng thứ 6 trong ASEAN (tăng 7 bậc so với với năm 2021 theo xếp hạng trên thế giới là 62/160). Điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 53.96 (tăng so với năm 2021 là 51.82), vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới (44.61).

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị. Ảnh T.B.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2023, KH-CN sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến KH-CN và ĐMST; tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển KH-CN và ĐMST đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bộ cũng sẽ sắp xếp hệ thống tổ chức KH-CN công lập theo Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH-CN; nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp KH-CN, các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off).

Đồng thời, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH-CN; tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về KH-CN và ĐMST; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ, thực thi phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân;..

Trong năm 2023 của Bộ KH-CN cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số gắn với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phục vụ người dân, doanh nghiệp.