Tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực về công nghiệp vật liệu quốc gia

|

Sáng nay 10-4, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH-CN), ĐH quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.\r\n

Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-CN; Vũ Hải Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Hội thảo được tổ chức kết hợp tại hội trường và trực tuyến với sự tham dự của gần 400 đại biểu là lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế đa phương và đại sứ quán, lãnh sự quán một số nước, các doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo và đề dẫn tại hội thảo
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới phù hợp với điều kiện, bối cảnh trong nước và quốc tế, nhất là tận dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nói chung, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói riêng và tận dụng các lợi thế thương mại.
Một trong những nội dung của quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đảng ta xác định là “Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài”. Đây cũng là nội dung được nêu trong đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn tới.
Để thực hiện được quan điểm và đột phá chiến lược này, yêu cầu đặt ra là phải phát triển những ngành công nghiệp nền tảng mà công nghiệp vật liệu cần ưu tiên đi trước một bước, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp sản xuất khác, góp phần bảo đảm xây dựng được một nền công nghiệp vững mạnh, độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Các đại biểu tham gia hội thảo 
Trước yêu cầu phát triển công nghiệp quốc gia cho giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi cần phải có cách tiếp cận và tư duy mới về phát triển công nghiệp vật liệu mà trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu.
Xuất phát từ các lý do trên, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ KH-CN, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi các diễn đàn, hội thảo chuyên sâu do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức để tổng hợp ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế phục vụ xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022 để ban hành Nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới.

Phát biểu chỉ đạo và đề dẫn tại hội thảo, Trưởng Ban Kinh Tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh: Thực tiễn trên thế giới cho thấy không có quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển mà không có ngành công nghiệp vật liệu phát triển, bởi đây là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu dùng của xã hội. Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu.

Dù vậy, phải thừa nhận một thực tế là ngành công nghiệp vật liệu của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra. Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí.

Có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu còn thiếu và yếu. Đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập.

Trưởng Ban Kinh Tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Trước yêu cầu phát triển công nghiệp đất nước trong giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi Việt Nam cần có tư duy và cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới”.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định nhiệm vụ chiến lược của ngành KH-CN đối với phát triển ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới là: “KH-CN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vật liệu, phát triển nguồn nhân lực KH-CN ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nhu cầu, chủ động phát triển các ngành kinh tế”.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu về các chính sách về phát triển nhân lực công nghệ vật liệu
Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, ĐH Quốc gia TPHCM tiếp tục sứ mạng tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng, là nơi đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục đại học góp phần đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân phát biểu khai mạc hội thảo 
Trình bày tại hội thảo có 4 báo cáo tham luận chính gồm: báo cáo “Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp vật liệu” của đại diện ĐH Quốc gia TPHCM; “Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong ngành công nghiệp vật liệu giai đoạn 2010-2020, đề xuất cho giai đoạn 2021-2030” của Bộ KH-CN; “Khoa học và công nghệ vật liệu phục vụ chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030” của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam; “Kinh nghiệm của Nhật Bản về tăng cường phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu” của TSKH. Kon Yohichi (Nhật Bản).
Tham gia phần trao đổi, thảo luận có 12 chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu…
Tham luận về "Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp vật liệu" của đại diện ĐH Quốc gia TPHCM

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung, phân tích, làm rõ về tình hình phát triển công nghiệp và ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam; thực trạng nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu; nhận diện bối cảnh, xu thế và tư duy, cách tiếp cận mới trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xu thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu trên thế giới và những vấn đề đặt ra đối với ngành công nghiệp vật liệu nói riêng; kinh nghiệm quốc tế và phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu; đề xuất, kiến nghị các chủ trương, chính sách lớn cho phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.