Ứng dụng số thúc đẩy sự phát triển

|

Chương trình chuyển đổi số tại TPHCM đang hướng đến mục tiêu tạo ra môi trường thuận lợi, minh bạch trong quản lý nhà nước; hỗ trợ kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển và người dân dễ dàng tiếp cận các lĩnh vực quan tâm. \r\n

Nền tảng số hóa hộ tịch

TPHCM đã và đang xây dựng kế hoạch số hóa, sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền. Các hồ sơ điện tử về dịch vụ công được quản lý bằng hệ thống quản lý hồ sơ. Các loại văn bản hành chính được hỗ trợ khai thác, sử dụng hệ thống khai thác văn bản. Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ các báo cáo của thành phố và đơn vị trực thuộc; xây dựng hệ thống tự động phân tích văn bản báo cáo và đưa ra các nhận định, thống kê phục vụ sự chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, kịp thời. 

Thể hiện rõ nhất là trong lĩnh vực số hóa hộ tịch. Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, trong dài hạn, thành phố hướng tới những dịch vụ công cho cả hệ thống chính quyền. Đó là lý do đến thời điểm này thành phố đã số hóa được khoảng 60% sổ hộ tịch, dự kiến đến tháng 6-2021 kho dữ liệu này sẽ đưa vào khai thác. Đây là cơ sở hết sức quan trọng bên cạnh cơ sở dữ liệu dân cư mà Bộ Công an đang xây dựng. 

Trên cơ sở dữ liệu hộ tịch, các sở ngành sẽ phát triển dữ liệu chuyên sâu: phục vụ quản lý ngành giáo dục, dữ liệu dân cư trong độ tuổi đến trường để dự báo số lượng trường học đáp ứng nhu cầu trẻ đến lớp; dự án dữ liệu hồ sơ sức khỏe, có thể ghi nhận diễn tiến sức khỏe học đường của học sinh, từ đó dự báo chính sách dân số, các vấn đề giới tính hay hồ sơ khám bệnh điện tử liên thông trong hệ thống các bệnh viện…

“Bên cạnh những tiện ích cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ công, các ngành như y tế, giáo dục sẽ có bước chuyển đổi quan trọng trong công tác quản lý hướng đến môi trường số. Những cải cách đó phải đạt mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ cho khách hàng của mình, đó chính là người dân”, bà Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh.

Thúc đẩy hàng loạt mục tiêu 

TPHCM ứng dụng số phục vụ người dân, trong đó nhiều ứng dụng dễ dàng cài đặt lên thiết bị di động để người dân tiện sử dụng. Hiện có 5 ứng dụng được người dân thường xuyên sử dụng: Ứng dụng tránh kẹt xe, được phát triển bởi Sở GTVT TPHCM, với các mục chính: Bản đồ, Cảnh báo, Camera, Phản ánh... Ứng dụng tránh đường ngập nước UDI Maps được xây dựng và phát triển bởi Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM, cung cấp cho người dùng các thông tin về những khu vực đang “tụ nước” trong thành phố.

Ứng dụng Thông tin quy hoạch TPHCM, giúp người dân tra cứu thông tin liên quan đến nhà đất từ xa, tiết kiệm thời gian và công sức đi lại. Sở Y tế TPHCM có ứng dụng SYT TPHCM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cán bộ y tế dễ dàng tra cứu thông tin của ngành, giúp người dùng có thể tra cứu nơi khám chữa bệnh nhanh hơn. Ứng dụng thông báo sự cố để người dân báo cáo các sự cố trong lĩnh vực giao thông, chiếu sáng, thoát nước, điện lực…

Ứng dụng số còn tác động sâu rộng đến sự phát triển của thành phố ở chiến lược chuyển đổi số. Theo Sở TT-TT TPHCM, thành phố tiếp tục hoàn thiện nền tảng xử lý dữ liệu giúp hoàn thiện hơn quy trình tích hợp, xử lý, hướng đến xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở của thành phố. Đây có thể là những bước đi đầu tiên quan trọng và sáng tạo trong chiến lược chuyển đổi số của TPHCM, thúc đẩy sự phát triển của ứng dụng số đến người dân.  

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, số hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 50% trở lên. Trong 5 năm tới, Kho dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. TPHCM cũng đặt mục tiêu thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử; kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. 

Với chiến lược số hóa, người dân và doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần, các cơ quan nhà nước phải chia sẻ dữ liệu với nhau. TPHCM cũng có các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân. Đây là những điều mà chúng ta đang kỳ vọng, khẳng định ứng dụng số thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

Đến năm 2030, TPHCM đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Ngoài ra, 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% hồ sơ công việc ở cấp quận và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường được xử lý trên môi trường mạng. Trong giai đoạn này, dự kiến TPHCM thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.