Tránh “bẫy nợ” thẻ tín dụng

|

Việc một khách hàng nợ thẻ tín dụng Ngân hàng Eximbank từ 8,5 triệu đồng sau 11 năm nợ đã nhảy vọt lên 8,8 tỷ đồng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều người giật mình, kiểm tra thì phát hiện mình cũng rơi vào tình trạng \

Thanh toán bằng thẻ tín dụng cho khách tại cửa hàng máy ảnh tại quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Con dao... 2 lưỡi

Thẻ tín dụng với tính năng “chi tiêu trước, trả nợ sau” kèm nhiều ưu đãi hấp dẫn là một phương tiện thanh toán thuận tiện, an toàn nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro nếu người sử dụng không nắm rõ các điều khoản sử dụng và “ma trận” các loại lãi, phí phát sinh. Anh Lê Minh (quận 3, TPHCM), chủ một doanh nghiệp nhỏ về dầu nhớt, cho biết, anh có 2 thẻ tín dụng cá nhân hạn mức 300 triệu đồng/thẻ.

Để tránh “bẫy nợ” thẻ tín dụng, anh đã đăng ký trích trả nợ thẻ tín dụng tự động và đặt lịch nhắc nhở thanh toán nợ đúng hạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ am hiểu như anh Minh. Bốn năm trước, chị M. Hòa (quận 7, TPHCM) mở thẻ tín dụng vì “ủng hộ” nhân viên Eximbank đạt chỉ tiêu dù không có nhu cầu. Lúc đó, nhân viên cho biết không phải đóng bất kỳ loại phí nào nên chị không lưu tâm.

“Rồi tôi đổi số điện thoại, chuyển chỗ ở nên cũng không nhận được tin nhắn hay thư thông báo gì từ ngân hàng. Nay kiểm tra thì phát hiện nợ phí thường niên 3 năm là 3,6 triệu đồng vì chỉ có năm đầu tiên được miễn phí. Tôi bấm bụng trả nợ và đóng luôn thẻ vì sợ ngày nào đó mình trở thành con nợ tiền tỷ”, chị Hòa cho hay.

Giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng tại TPHCM cho biết, nhiều khách hàng có thẻ tín dụng ở các ngân hàng khác nhau nên không quản lý nổi. Có người khi làm thủ tục vay mới phát hiện trên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) đang vướng nợ xấu từ thẻ tín dụng của một ngân hàng khác.

Nâng cao trách nhiệm từ hai phía

Theo TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, khi chi tiêu trong hạn mức sẽ được miễn lãi trung bình từ 45-55 ngày. Sau thời gian này, ngoài cách trả toàn bộ dư nợ để được miễn lãi, chủ thẻ có thể thanh toán dư nợ tối thiểu (khoảng 5% số tiền chi tiêu trong kỳ) nhưng số nợ chưa trả còn lại sẽ bị tính lãi suất 18%-40%/năm (tùy ngân hàng) và sẽ cộng dồn vào kỳ thanh toán kế tiếp. Nếu không thanh toán đúng hạn, chủ thẻ sẽ phải trả các khoản lãi suất, bao gồm lãi suất quá hạn, bằng 150% lãi suất thông thường và phí phạt trễ hạn, vượt quá hạn mức cũng rất cao.

“Thẻ dù không sử dụng vẫn phát sinh phí. Nếu không thanh toán đúng hạn, các khoản lãi, phí này sẽ được tính lãi gộp theo ngày, tháng, năm nên tổng dư nợ sẽ tăng rất cao. Ngoài ra, thẻ tín dụng còn gánh rất nhiều loại phí phát sinh khác như: phí rút tiền mặt qua ATM; phí chuyển đổi ngoại tệ khi cà thẻ ở nước ngoài, phí sử dụng vượt hạn mức… Trường hợp khách hàng bị đòi 8,8 tỷ đồng là một sự cảnh báo để nâng cao trách nhiệm từ cả ngân hàng lẫn khách hàng. Khách hàng cần phải hiểu rõ về thẻ tín dụng để tránh rủi ro", TS Huỳnh Trung Minh khuyến cáo.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, cho biết: “Thẻ tín dụng, về bản chất là khoản vay không phải trả lãi trong một khoảng thời gian nhất định nên khách hàng phải có trách nhiệm hoàn trả theo quy định tại Thông tư 39/2016 của NHNN. Về phía ngân hàng thương mại, sau khi cấp thẻ cần theo dõi và đôn đốc khách hàng như một khoản vay nhằm giúp khách hàng sử dụng thẻ hiệu quả và hạn chế phát sinh nợ quá hạn, gây ảnh hưởng cho khách hàng”. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, nêu yêu cầu sớm xử lý vụ việc, không để làm mất lòng tin của người tiêu dùng đối các dịch vụ thanh toán, trong khi Chính phủ đang yêu cầu NHNN đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

* LS TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Phải thống nhất quy định chung về lãi suất

Theo Bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Khi cộng thêm lãi suất quá hạn thì cũng không được quá 30%/năm. Theo Bộ luật Hình sự, trường hợp cho vay với lãi suất trên 100% thì phạm tội cho vay lãi nặng. Tuy nhiên, trần 20% nói trên lại không áp dụng đối với ngân hàng nên lãi suất cho vay của ngân hàng có thể lên tới bất kỳ con số nào cũng không bị coi là trái luật. Tiếp đó, lãi suất quá hạn thay vì chỉ được cộng thêm tối đa 10% như quy định chung, thì lại bằng 150% lãi suất trong hạn.

Trường hợp Eximbank nêu trên, có thể họ áp dụng lãi suất kép, cộng gộp, cộng dồn, nhập lãi vào gốc, tính theo từng tháng nên việc nhảy từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỷ đồng là hoàn toàn có thể, nếu áp dụng lãi suất nợ quá hạn khoảng 70%/ năm. Việc khách hàng phải chịu lãi suất, lãi phạt và các loại phí đều được thỏa thuận trong hợp đồng cho vay hay sử dụng thẻ. Tuy nhiên, nhiều khi khách hàng cũng không đọc, hoặc đọc thì cũng không hiểu. Do đó, đã đến lúc phải sửa đổi luật, áp dụng thống nhất quy định về lãi suất cho vay đối với mọi thành phần kinh tế, một cách công bằng, bình đẳng và hợp lý.

LƯU THỦY ghi

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Eximbank thông tin về vụ đòi nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng