Chuẩn bị kỹ lưỡng...
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa trong công tác xây dựng pháp luật là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thường xuyên quán triệt. Đặc biệt, mặc dù chú trọng bảo đảm tiến độ, nhưng chất lượng của văn bản pháp luật luôn được đặt lên hàng đầu.
Thí dụ rõ nhất cho cách làm này là "cuộc đua về đích" của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ này.
Ngay từ giữa năm 2021, hơn một năm trước khi dự án được thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật để nghe báo cáo rà soát sửa đổi Luật Đất đai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu cơ quan chủ trì thẩm tra xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết từng hoạt động và tiến độ thời gian từ khâu thẩm tra cho đến khi Quốc hội biểu quyết thông qua; chỉ đạo phân công các cơ quan khác của Quốc hội thẩm tra về nội dung của dự án thuộc phạm vi lĩnh vực do cơ quan mình phụ trách. Đặc biệt, đã tổ chức một đợt lấy ý kiến nhân dân sâu rộng đối với dự thảo Luật, thu thập hơn 12 triệu ý kiến. Suốt trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật sau đó, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đã luôn có sự phối hợp, đồng hành, dù rất nhiều khi, như Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kể lại, đã "tranh luận nảy lửa, không khoan nhượng, nể nang".
Tuy thế, do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của dự luật, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2024, bảo đảm chất lượng và tính khả thi sau khi được ban hành.
Dự thảo Luật Đất đai không phải là trường hợp duy nhất có sự cân nhắc rất kỹ của Quốc hội. Trước đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đạo luật có tính chất "xương sống" của ngành y tế, được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ ba và theo chương trình ban đầu thì sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ tư. Song tại kỳ họp thứ tư, do còn có ý kiến khác nhau về những nội dung lớn, đặc biệt là chưa xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cũng như cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công… nên đã được tiếp tục bổ sung, chỉnh lý và được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai diễn ra đầu năm 2023.
Cũng trong năm nay, Quốc hội có thêm một hành động chưa có tiền lệ nhưng đặc biệt qu an trọng và cần thiết: Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV được tổ chức ngày 6/9. Đổi mới này thể hiện quyết tâm đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống một cách bài bản, toàn diện, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Ứng biến linh hoạt, "tự soi tự sửa"
Không chỉ thiết kế khung khổ pháp luật cho trung, dài hạn, một đặc điểm không thể không nhắc đến trong công tác lập pháp năm qua và cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nói chung là tính kịp thời, ứng biến, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong từng nhịp đập thời cuộc.
Trong số các nhiệm vụ đã hoàn thành, được đề xuất, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết và đã được thông qua hoặc đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có nhiều văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, lần đầu được ban hành, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn và bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau dịch.
Quốc hội cũng đã cho phép thí điểm một số chính sách mới, một số cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số tỉnh, thành phố, trong đó không thể không nhắc đến Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, kịp thời giải tỏa nhiều điểm nghẽn cho "đầu tàu tăng trưởng" của cả nước.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, song không tự hài lòng với công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, khi thảo luận tại hội trường về nội dung rà soát văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế hiện nay trong bản thân pháp luật và cả trong quá trình tổ chức thực hiện.
Báo cáo của Chính phủ cho biết: Đối với 22 lĩnh vực trọng tâm được rà soát, có 16 văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo; 104 văn bản có quy định bất cập hoặc vướng mắc. Với các văn bản không thuộc 22 lĩnh vực trọng tâm, có 99 nội dung có bất cập, vướng mắc... Đối chiếu với chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, một số văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo cơ bản đã được giải quyết trong các luật Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7. Một số vấn đề khác nằm trong các dự án luật, nghị quyết đã có trong chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 và theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15.
Tuy nhiên, số lượng văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo lại chiếm tỷ lệ không lớn, khoảng 6,5% số đã rà soát. Việc khó hơn nhiều là tháo gỡ những vướng mắc, bất cập nằm ở một số lượng rất lớn các văn bản hướng dẫn thi hành (nghị định, thông tư). Đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến ách tắc, chậm trễ trong hành chính công, do cán bộ công chức sợ sai, e dè không dám quyết.
Thực tế này cho thấy, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật không thể chỉ làm theo đợt, mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Trước khi các cơ quan giám sát vào cuộc, các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nêu cao tinh thần "tự soi tự sửa", tuân thủ nghiêm túc quy định về trách nhiệm, cách thức tổ chức rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát.
Và tất nhiên, dù đã có các văn bản quy phạm pháp luật, quá trình triển khai trong thực tế mới là khâu cuối cùng hết sức quan trọng, quyết định ý nghĩa của việc xây dựng pháp luật. Đó lại là một chặng đường dài khác