Nhiệt độ ở đây đã cao hơn 10oC so với giai đoạn 1981 - 2010. Còn ở nhiều nước châu Âu, mấy ngày giữa tháng 7, nhiệt độ lên tới 40 - 41oC ! Riêng năm 2018, ở Nga, đã có 9.900 vụ cháy tự nhiên trên diện tích 3,2 triệu ha (năm 2017 là 9.200 vụ trên 1,4 triệu ha); những người dân sống gần rừng Taiga đã chứng kiến gấu trốn chạy khỏi rừng. Ở các công sở, ngày làm việc được rút ngắn; một số chuyến bay phải hoãn hoặc không thể hạ cánh...
Như vậy, những trận cháy rừng đã làm trái đất nóng lên nhanh hơn, thải lượng lớn các-bon vào khí quyển, khiến tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục tăng trong tháng 6 vừa qua. Nước Nga đã huy động gần 3.000 nhân viên cứu hộ, gần 350 đơn vị kỹ thuật, 28 máy bay tham gia dập lửa. Chi phí nhân lực và tài chính cho việc cứu rừng là không nhỏ!
Ở lưu vực sông Mê Công hiện nay, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30 - 80%. Tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính Mê Công thiếu hụt từ 35 - 45%. Tại Biển Hồ, mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 2 m. Mực nước cao nhất ngày đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn cùng kỳ từ 0,5 - 0,9 m. Rõ ràng, dòng chảy trên sông Mê Công đang ở mức rất cạn kiệt!
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, đỉnh lũ năm 2019 tại trạm Tân Châu và Châu Đốc ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy ở thượng nguồn Mê Công thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm; đặc biệt sau tháng 9-2019, lượng mưa sẽ giảm nhanh, dẫn đến dòng chảy giảm tương ứng. Nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra rất sớm. Nhiều nơi, tình trạng này đang diễn ra gay gắt. Các làng nghề truyền thống, như làm lọp cá linh ở Long Xuyên, An Giang; nghề đan lưới ở Thơm Rơm - Cần Thơ; nghề đóng xuồng ở Lai Vung - Đồng Tháp... để phục vụ mùa nước nổi, đang lâm vào cảnh thoi thóp; do đó nhiều người đã bỏ nghề khi lũ muộn về! Cùng với thực trạng đó, là hiện tượng sạt lở đất đang diễn ra ở nhiều đoạn biển và khúc sông, gây lo âu cho người dân...
Nhằm ngăn ngừa các tác hại đó, trong hai năm qua, thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng: tăng cường phát triển hạ tầng giao thông đô thị, ổn định dân cư; thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn theo cơ cấu kinh tế và theo lãnh thổ trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng; thúc đẩy kết nối kinh tế nội vùng với TP Hồ Chí Minh; các chương trình ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai, khắc phục sạt lở bờ biển, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội đang được triển khai tích cực; công tác điều tra cơ bản được tăng cường; việc nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo, chuyển đổi nghề được quan tâm. Hiện nay, chúng ta đang tập trung sức nghiên cứu và triển khai một số giải pháp cấp bách: tận dụng hiệu quả hai túi nước chứa ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên để tích nước mùa mưa; khôi phục không gian của các dòng sông và giảm nhu cầu đê bao khép kín để nước có thể vào lại ruộng đồng. Mạnh dạn giảm bớt vụ lúa thu - đông ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Khi lũ vào được hai “túi nước” này, thì phía dưới sẽ bớt ngập; sang mùa khô đồng bằng sẽ bớt khô hạn và chặn được mặn xâm nhập sâu...
Điều quan trọng là, phải tiếp tục thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu từ sản xuất lúa sang kinh tế nông nghiệp đa dạng, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; tích cực cơ cấu lại cây trồng hiệu quả, không nên cố “ngọt hóa” để canh tác lúa khắp nơi; đối với các vùng ven biển nên chuyển sang hệ canh tác mặn...
Lẽ đương nhiên, qua thực tiễn phát triển, phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách. Nhưng suy cho cùng là vai trò CON NGƯỜI chung sức hành động bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm mới ngăn chặn có hiệu quả sự hoành hành của thiên tai và những biến đổi nghiệt ngã của khí hậu!