Giữa lằn ranh hiện đại - truyền thống

|

Trong thời đại này - kỷ nguyên số bùng nổ thông tin, với hệ quả là mỗi chúng ta có lẽ đôi lúc đều có cảm giác mông lung về các hệ giá trị, vẫn luôn có những khái niệm phổ quát bất biến. Cho dù, đôi khi, không dễ dàng để diễn giải những ý niệm đó bằng ngôn từ. Như Chân - Thiện - Mỹ. Như ngon sẽ là ngon, đẹp sẽ là đẹp, hay sẽ là hay. Để chúng hiện lên trong đầu mình thật sắc nét, bạn cần phải thật sự chú tâm vào những rung cảm chân thật nhất của mình.

Những lát cắt về khoảng cách thế hệ

Minh Thư đã làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh được bốn năm, sau khoảng ba năm sống ở Đà Lạt. Cô gái 27 tuổi ấy xuất thân từ Đông Sơn, Bỉm Sơn (Thanh Hóa), một huyện nghèo mà 10 năm qua thay đổi rất ít.

Bố cô mới mất năm ngoái và mẹ của Thư muốn con mình về làm giáo viên ở quê nhà, "cho đỡ vất vả". Mẹ của Thư là một giáo viên có thâm niên. Bà có khả năng xin việc cho con ở ngôi trường gần nhà, khá thuận lợi. Nhưng giống như nhiều người trẻ khác, Thư tất nhiên không muốn nghe theo.

Thậm chí, cô còn sợ về quê. Ngoài áp lực kể trên từ gia đình, mỗi lần ngồi chung mâm cơm với họ hàng vào ngày Tết, cô đối diện với hàng loạt những câu hỏi về đời sống cá nhân, kiểu "bao giờ lấy chồng?", rồi "lương bao nhiêu, sao không về quê cho đỡ vất vả?"…

Đấy là "bộ câu hỏi" không dễ trả lời vào mỗi dịp Tết, thậm chí có thể biến cuộc sum vầy thành một gánh nặng giải trình. Xung đột văn hóa, một cách tình cờ, lại thường xuất hiện gay gắt chính vào thời điểm thiêng liêng nhất, khi họ trở về sau một năm bươn chải ở các đô thị lớn.

Theo một nghiên cứu của Hội đồng Anh vào cuối năm 2020 về thế hệ trẻ Việt Nam, những người trẻ - ít nhất là những người từng sống ở thành thị - hiện chuộng các giá trị cá nhân hơn là tập thể, cộng đồng. Khi được hỏi, hầu hết họ cho biết những mối quan hệ cộng đồng, họ hàng đã trở nên lỏng lẻo và thậm chí là suy yếu, kể từ thời cha mẹ họ.

"Tại các nhóm thảo luận tập trung ở thành thị, những người chấp nhận trả lời phỏng vấn cho biết, họ cảm thấy ít gắn kết hơn với cộng đồng địa phương, nhất là khi so sánh cha mẹ và ông bà họ. Cùng với sự phổ biến của những loại hình giải trí ảo và các thiết bị di động, giới trẻ cảm thấy những giao lưu trực tiếp đã giảm dần" - trích nghiên cứu.

Song, năm 2022, trong một chuyến đi công tác ở Cà Mau về biến đổi khí hậu, tôi nhận ra những khía cạnh khác, khuất lấp sau vấn đề vĩ mô to tát mang tên: Sự đứt gãy trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, bởi cả những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trong những người tôi gặp, có một bà cụ có tới 10 người con. Cả 10 đều đã phải ly hương, vì lúa, tôm đều thất bát. Họ đi Thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương, bán sức lao động cho các khu công nghiệp với giá rẻ mạt và điều kiện sống tồi tàn. Một năm, họ chỉ về nhà được một lần.

"Chúng nó thương má lắm, cứ có điều kiện là gọi điện về nhà. Mỗi lần về nhà, chúng nó chỉ về được vài ngày, nhưng không đi đâu, chỉ ăn uống rồi ca (hát) ở nhà" - bà nói, trong căn nhà trống trải thênh thang giờ dày đặc ảnh con dán trên mọi bức vách.

Vào khoảnh khắc đó, tôi nhận ra: Trong những điều kiện bị cực đoan hóa, thứ tưởng chừng gay gắt là xung đột thế hệ, kiểu các câu hỏi xâm phạm riêng tư, hầu như không tồn tại. Hoặc nếu có, chúng chỉ gây ra một vài cái nhíu mày và nhanh chóng được gạt sang một bên. Nhu cầu của hầu hết mọi người, cuối cùng vẫn chỉ là tận hưởng khoảng thời gian bên nhau hiếm hoi, sau một năm đằng đẵng.

Ðiều gì là quan trọng?

Cũng như mọi người trẻ khác, tôi đã từng khó chịu khi cảm thấy sự riêng tư bị xâm phạm, khi phải trả lời các câu hỏi về gia đình, công việc hay thu nhập. Cảm giác tiêu cực này len lỏi mạnh mẽ đến mức từng làm tôi cảm thấy bức bối khi phải tham gia các nghi lễ truyền thống cùng gia đình và họ hàng.

Nhưng nếu đối chiếu sang bối cảnh cực đoan của bà mẹ già và 10 đứa con ly hương kể trên, thì sự khó chịu này, suy cho cùng, vẫn là… may mắn. Hóa ra, tôi có đủ thời gian lẫn điều kiện để nghĩ về khía cạnh tiêu cực của việc phải tham gia vào các kết nối mang tính truyền thống của gia đình và cộng đồng. Với một phần không nhỏ bộ phận dân số, đấy lại không phải là điều đáng bận tâm. Gặp nhau sau một năm, tham gia vào các nghi thức tưởng nhớ tổ tiên và gắn kết tình cảm, với họ, là một niềm hạnh phúc to lớn.

Năm nay sẽ là một cái Tết đặc biệt của Minh Thư. Sau gần một thập niên, cô sẽ về nhà ăn Tết, cái Tết đã không còn sự hiện diện của cha mình. "Em nhớ bố lắm, dù bố cũng hay rầy la về chuyện sinh hoạt ăn uống vô tổ chức của em" - cô nói với tôi, khi được hỏi về cảm tưởng khi Tết đã gần kề.

Những người trẻ, trong quá trình trưởng thành, sẽ bị chi phối bởi hai dòng tư duy: Một là của thế giới bên ngoài đang thay đổi chóng mặt, với những thông tin ngập tràn về chủ nghĩa cá nhân, sống với đam mê, tự do, và mâu thuẫn thế hệ; một là của thế giới nội tâm được ấn định từ ký ức qua nhiều năm tháng.

Xung đột giữa hai thế giới này thường xuất hiện trong các bối cảnh bình thường. Bạn thậm chí có thể sẽ phản kháng với các ký ức và những gì được gọi là "truyền thống". Bạn có thể đã từng không nghĩ các quyết định của cha mẹ là đúng đắn, hay cho rằng việc trở lại quê hương mang đến nhiều phiền toái hơn là thoải mái.

Nhưng, có lẽ bạn hãy thử một lần nghĩ như tôi, đặt một chuyến trở về trong một bối cảnh bị cực đoan hóa nào đó, để thấy rằng rốt cuộc, chúng ta không thể tảng lờ các ký ức. Đơn giản, vì chúng chính là bạn. Những tầng ký ức ấy được cấu thành qua năm tháng, từ những kỷ niệm sâu sắc nhất của quá vãng. Kiểu như, cuối cùng thì bạn vẫn phải nghĩ về những gì đã trôi qua và ý nghĩa của chúng với bản thân, hơn là trốn vào một góc và thưởng thức sự riêng tư có vẻ thoải mái, nhưng lại nông cạn. Bạn chỉ biết chúng tồn tại khi ai đó nói cho bạn, thay vì thật sự sống nhiều năm trong đó.

Có lẽ ai cũng sẽ trải qua một khoảnh khắc "nhận ra" rằng điều gì là quan trọng, như thế. Để thấy rằng trở về, ngồi nghe những người thân yêu nhất, gần gũi nhất "xâm phạm sự riêng tư" của mình, thực tế, cũng là một hạnh phúc.