Trong suy nghĩ của tôi, nhà báo thật sự phải là những nhà báo chuyên nghiệp, là những phóng viên, biên tập viên không quản nguy hiểm, lăn lộn trong từng góc đời, tìm ra những ẩn khuất đặng viết lên những gì chân thực nhất của cuộc sống. Bởi vậy những người như tôi dù được cầm tấm thẻ nhà báo nhưng cũng chỉ là những người làm công việc ít nhiều liên quan đến báo chí chứ không dám nhận và không thể là những nhà báo thực thụ. Đó là sự thật.
Ở thời điểm hiện tại, theo thống kê cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí, trong đó có một hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh truyền hình, còn lại là báo in, tạp chí và báo điện tử. Con số nhà báo được cấp thẻ khoảng 19 nghìn người cùng rất đông các nhà báo hành nghề chưa đủ điều kiện cấp thẻ và cộng tác viên viết báo có ở tất cả các tòa soạn và ban biên tập.
Với số lượng nhà báo và các cơ quan báo chí đông đảo như thế có thể nói không một vấn đề gì xảy ra từ một vụ việc rất nhỏ ở một nơi hẻo lánh xa xôi đến những vấn đề lớn của đất nước đều được ngòi bút của các nhà báo cập nhật, phản ánh, nhất là hiện nay họ còn sử dụng mạng xã hội như blog, facebook... Đồng thời nhà báo phải đối diện với áp lực không nhỏ về sự trung thực thông tin khi đối diện với thế giới mạng. Chưa bao giờ nhà báo phải làm việc trong sự kiểm soát minh bạch như thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Và điều cốt yếu nhất đối với một nhà báo, tôi nghĩ đó là đạo đức nghề nghiệp.
Đạo đức của nhà báo, nói một cách không hoa mỹ là cái quan trọng bậc nhất. Nhà báo nếu thiếu đạo đức, nếu hành nghề vì một lý do khác ngoài lý do nghề nghiệp thì đó không chỉ là vấn đề của một cá nhân mà nó để lại vô vàn hệ lụy cho những gì được nhà báo đề cập đến. Lịch sử báo chí Việt Nam đã chứng kiến những tấm gương nhà báo xả thân vì sự nghiệp. Không ít nhà báo chiến sĩ ở nơi chiến trường ác liệt đưa tin, bài, ảnh phản ánh cuộc kháng chiến giữ nước chống ngoại xâm. Có những người đã vĩnh viễn nằm xuống vì Tổ quốc. Nhà báo ở các thời kỳ phát triển đất nước luôn là những người tiên phong trong các vấn đề đời sống dân sinh, trong cuộc đấu tranh thiện ác, chống lại cái xấu và viết lên vẻ đẹp của con người, đất nước.
Tôi may mắn được tiếp xúc với môi trường báo chí ngay từ khi cầm bút ban đầu. Mấy chục năm làm nghề tôi đã được gặp, được đọc, được sống và chứng kiến nhiều nhà báo ở mọi lĩnh vực. Họ thật sự là những tấm gương về nhân cách nghề nghiệp. Có thể nói trong tất cả những vụ án lớn công sức đóng góp của nhà báo là không nhỏ. Có cảm giác các phóng viên luôn có mặt ở mọi điểm nóng, các góc khuất để "vạch lá tìm sâu". Không ít vụ tham nhũng, tiêu cực ở mọi ngành nghề được nhà báo điều tra làm rõ. Có lẽ với nhà báo chẳng có vùng cấm nào cả. Họ không quản nguy hiểm, bất chấp mọi trở lực để mong muốn tìm đến sự thật. Tôi cho rằng sự thật chính là cái nền của đạo đức nhà báo.
Điểm lại những đại án lớn xưa nay đều có sự góp sức quan trọng của báo chí. Đó là các vụ án Thủy cung Thăng Long, Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, Vinashin... Mới đây thôi trong thảm họa cá chết ở biển miền trung năm 2016 chính nhà báo là những người tiên phong đi tìm sự thật. Tôi từng được gặp hai nhà báo là phóng viên thường trú ở miền trung đã tự bỏ tiền thuê máy móc, tìm thợ lặn xuống tận đáy biển quay xác cá chết chồng thành lớp để minh chứng sự thật. Công sức của nhà báo đã góp phần để Formosa phải nhận tội và chấp nhận bồi thường cùng những cam kết về môi trường cho tương lai. Gần nhất là những gì bê bối ở ngành dầu khí và cũng chính các nhà báo vạch mặt Trịnh Xuân Thanh cùng đồng bọn đã bòn rút tàn phá ngân sách khủng khiếp thế nào. Nhiều lắm không thể liệt kê hết được những gì nhà báo làm được trong cuộc chiến chống lại những gì xấu xa thậm chí là tội ác ở cuộc sống này.
Đáng tiếc là trong quá trình tác nghiệp để đưa ra ánh sáng những gì khuất tối có không ít nhà báo đã lâm nạn. Hai nhà báo viết bài chống tiêu cực trong vụ PMU18 đã bị khởi tố bắt giam vì đưa tin không chính xác. Những tai nạn tương tự là không ít. Không ít nhà báo bị rút thẻ, bị kỷ luật vì những lý do nghề nghiệp nhưng cũng có nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp đánh mất mình, mất nghề.
Nghề báo được xã hội ưu ái nhưng cũng đòi hỏi ở họ sự công bằng chính trực và đây mới là những thách thức lớn với nhà báo. Tôi biết có nhiều nhà báo thật sự là những tấm gương sáng cả nhân cách lẫn tài năng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, thật buồn lòng vì có không ít nhà báo lạm dụng nghề nghiệp tạo dựng cho mình những thứ nhất thời như cái danh hão và vật chất phù du. Nhà báo đưa tin sai sự thật vì những động cơ không trong sáng vụ lợi như thông tin sai về nước mắm mới đây khiến một loạt cơ quan báo chí và nhà báo bị xử lý. Cá biệt có những cá nhân lạm dụng tấm thẻ nhà báo để trục lợi khiến cho thanh danh nhà báo và nghề báo bị hoen ố. Căm phẫn và đau xót khi mới đây ba phóng viên, trong đó có trưởng đại diện văn phòng báo Kinh doanh và Pháp luật ở Hải Phòng bị bắt giam vì hành vi lợi dụng danh nghĩa nhà báo để cưỡng đoạt tiền của nhân dân. Cũng là những hành vi tương tự nhưng nếu không phải đó là nhà báo thì sự thể chỉ gói gọn trong chính hành vi ấy. Nhà báo thì khác. Khi anh cầm bút để bảo vệ sự thật, để đấu tranh trước những bất công sai trái thì sự lạm dụng kia cùng lúc gây ra những ảnh hưởng xấu cho cả đội ngũ những người làm báo trung thực.
Với những nhà báo bị tai nạn nghề nghiệp ít nhiều còn nhận được sự cảm thông của đồng nghiệp, độc giả nhưng với những kẻ táng tận lương tâm làm vấy bẩn nghề nghiệp thì chỉ có thể nhận về sự khinh bỉ và xa lánh ruồng bỏ. Tôi có những người bạn thân là những nhà báo giỏi cống hiến cả đời cho nghề nghiệp vậy mà chỉ tích tắc sơ sểnh nghiệp vụ bỗng dưng bị cách chức, bị rút thẻ. Nhưng chính cá nhân họ cũng chỉ thấy đó là sự nuối tiếc vì một lầm lỡ. Cả tôi và nhiều đồng nghiệp khác vẫn dành cho họ sự tôn trọng bởi chúng tôi biết từ thẳm sâu lương tâm họ vẫn là những nhà báo đích thực. Tôi biết có nhà báo chỉ vì thẳng thắn, trung thực, quyết liệt đấu tranh với cái xấu của một hệ thống ở địa phương mà bị chịu nhiều thiệt thòi, bị trù dập và nhận không ít oan khiên. Ở Cà Mau có câu chuyện giám đốc một công ty lớn bị nhà báo là bạn mình phanh phui tham nhũng phải ngồi tù. Ở trong trại giam, vị này đã nhắn với nhà báo đó những lời lẽ rạch ròi không hề oán thán, thù hận. Nhà báo đó vẫn vào trại giam thăm hỏi và họ vẫn là bạn cả khi vị nguyên giám đốc được tự do trở lại xã hội. Một câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa không hề nhỏ. Nhà báo nếu đúng là mình, nếu bảo vệ sự thật thì dù thế nào anh vẫn được thừa nhận một cách xứng đáng.
Sự thật là nền tảng của đạo đức người làm báo và đạo đức nhà báo chính là nhân cách nghề nghiệp của họ. Đội ngũ nhà báo, cho dù trong đó có những con sâu làm rầu nồi canh thì họ vẫn là những người tiên phong trong cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác. Xã hội, cuộc sống cần ngòi bút chính trực của họ.