Những nỗi lo dài

|

Không chỉ đối diện những nguy cơ lớn từ việc đề cao lợi ích kinh tế, ưu tiên cho phát triển, trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, những nhận thức lệch lạc có thể khiến cho di sản không được bảo tồn đúng mức và đúng cách. Điều này, thậm chí, còn có thể dẫn đến sự biến mất của di sản.

Nhiều hậu quả không thể khắc phục

Quan điểm "tiến hóa đơn tuyến" còn nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ di sản ở Việt Nam: Chỉ một số di sản và những hoạt động thực hành văn hóa được đánh giá "tốt" mới được lựa chọn để khuyến khích bảo tồn, những gì lạc hậu, rườm rà... được khuyến khích xóa bỏ. Trong một thời gian dài, việc "bảo tồn có chọn lọc" đã loại bỏ không ít phong tục, lễ nghi bị coi là "lạc hậu", gây ra sự mất cân bằng trong đầu tư bảo tồn các di sản. Đáng nói, việc suy giảm đa dạng văn hóa bởi xu hướng này vẫn đang tiếp tục.

Nhiều khi, dư luận về một tục lệ nào đó là "phản cảm", thậm chí đòi sửa di sản, lại được dấy lên bởi những người không thuộc cộng đồng thực hành di sản đó. Tranh cãi về tục "chém lợn" ở lễ hội Ném Thượng (tỉnh Bắc Ninh), những bình phẩm đi quá xa bản chất của "tục hèm" ở một số lễ hội vùng Phú Thọ là những thí dụ. Cũng như vậy, lễ "đâm trâu", "ăn trâu" một thời bị phê phán bởi quan điểm bảo vệ sức kéo, nay lại bị phê phán là "dã man", "phản cảm". Những người nêu các ý kiến phản đối đã quên mất rằng: Việc thực hành những nét văn hóa đó là của cộng đồng bản địa, dựa trên truyền thống.

Không ai bên ngoài cộng đồng sở hữu di sản, kể cả các chuyên gia có thể/được dựa vào việc xem xét, tìm hiểu từ bên ngoài mà xác định một hiện tượng cụ thể nào của di sản nên sửa chữa như thế nào. Quan điểm "bảo tồn có chọn lọc" không giải thích được sức sống của Hát văn-Hầu bóng, từng bị coi là mê tín dị đoan, tốn kém và "cần loại trừ khỏi xã hội văn minh". Sau hàng chục năm cộng đồng âm thầm nuôi dưỡng, thực hành tín ngưỡng này dần được công nhận. Năm 2016, UNESCO đã ghi danh "Những thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Dù đã có những quy định chặt chẽ, tuy nhiên, ở các cấp thực hiện, nhất là cấp cơ sở, việc tuân thủ pháp luật về trùng tu, tôn tạo di tích đã không được thực thi nghiêm ngặt, dẫn đến nhiều hậu quả không thể khắc phục. Có thể nêu một số vụ điển hình: Năm 2010, sau khi được trùng tu, Di tích cấp quốc gia Thành nhà Mạc (Tuyên Quang) có lịch sử 418 năm đã trở thành "di tích một ngày tuổi"; năm 2014, trùng tu mà phá hỏng tấm bia Bảo vật quốc gia Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Long Đọi (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam); năm 2018, Đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị hạ giải, bê-tông hóa để xây mới; năm 2020, cây cầu ngói chợ Thượng (xã Bình Minh, huyện Nam Trực, Nam Định) được trát lại vữa, làm lại bậc và "hiện đại hóa" theo kiểu nhà ống… Còn có một kiểu trùng tu khác xuất hiện lan tràn ở miền bắc là sơn thếp lại di tích. Sau khi được phủ sơn công nghiệp, các kết cấu gỗ trở nên bóng nhoáng, đường nét chạm khắc tinh tế bị mờ hoặc mất hẳn. Việc dùng sơn công nghiệp đã làm hỏng các mảng chạm đặc sắc ở Di tích quốc gia đặc biệt Đền Gióng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), năm 2017, "làm mới" lòe loẹt nhiều cấu kiện kiến trúc và chạm khắc ở Di tích cấp quốc gia Đình Trùng Hạ (huyện Gia Viễn, Ninh Bình), năm 2020, là những thí dụ điển hình. Những cách trùng tu như thế đã phá hỏng giá trị đặc sắc của những di sản văn hóa được bao thế hệ cha ông gìn giữ.

Chạy đua, sai lệch và lãng quên

Việc chia thứ bậc xác định mức ưu tiên bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể dẫn đến hệ lụy tạo ra cuộc chạy đua danh hiệu, phẩm cấp cho di sản của các địa phương… Sự ganh đua còn diễn ra trong chính cộng đồng sở hữu di sản. Một thí dụ là cuộc cạnh tranh đền/phủ nào "chính" hay "phụ", đền/phủ nào "thiêng hơn" đang diễn ra ở Nam Định gây ra hiềm khích, mất đoàn kết trong cộng đồng thực hành di sản thờ Mẫu.

Mục đích của các cuộc chạy đua danh hiệu, hoạt động lồng ghép lai tạp bên cạnh lễ thức cổ truyền, trong rất nhiều trường hợp, tạo nên những tác động phản văn hóa, làm biến đổi bản chất của di sản cả từ nội dung, ý nghĩa đến phương thức thực hành. Những hành vi này, tiếc là vẫn xảy ra phổ biến, đã ít nhiều làm mất đi tính "thiêng" của di sản, có thể kể đến những mong muốn bánh chưng, bánh dày, tô phở khổng lồ, bánh tét, bánh ram đạt kỷ lục to nhất, dài nhất, số người tham gia trình diễn trang phục quan họ nhiều nhất hay "kỷ lục Việt Nam" về số người biểu diễn hát then đông nhất ở Cao Bằng mới đây…

Hiện tượng đánh tráo khái niệm đang có xu hướng tạo nên nhiều hệ lụy tiêu cực cho di sản. Một lễ hội hồn nhiên của cộng đồng, sau khi được "nâng cấp" đồng thời "chính quy hóa", đã trở thành "lễ trình diễn", khoác những lớp nghĩa mới. Cụm từ thường được một số người có trách nhiệm nhắc lại nhiều lần khi tổ chức lễ hội là "xã hội hóa lễ hội" song thực tế, họ đã "thương mại hóa lễ hội" một cách không thương tiếc. Trong những tình huống không mong muốn, cộng đồng chủ nhân đã không còn (muốn) coi di sản là một phần trong cuộc sống của mình như nó đã từng như thế. Với họ, di sản đã mất tính "thiêng", thậm chí họ coi di tích, di sản, lễ hội đó không còn là của mình mà là "của Nhà nước" (!).

Lãng quên rằng những giá trị văn hóa cũng là một nguồn lực của phát triển đang là tình trạng phổ biến với những di chỉ khảo cổ học. Một di tích, di chỉ bị hủy hoại thậm chí biến mất do "tình cờ" nằm trong quy hoạch của một dự án hiện đại là điều... dễ gặp. Chỉ tính từ năm 2001 cho đến năm 2019, 90% số di tích thuộc thời đại kim khí đã được thống kê bị xâm phạm nghiêm trọng. Nhiều di tích chỉ còn trên giấy. Thậm chí trên di tích khảo cổ học nổi tiếng Phùng Nguyên, một loạt lò gạch trùm lên đã phá hỏng hoàn toàn di tích. Mặc dù đã tốn khá nhiều công sức khai quật, nghiên cứu khảo cổ học nhưng việc xây dựng công trình mới vẫn làm theo tư duy nhiệm kỳ và ý chí đương đại. Một kiến trúc mới không hề mang giá trị lịch sử, văn hóa được xây mới trùm lên phá hủy những nền móng cổ. Đó là trường hợp xây dựng, tôn tạo các di tích Lam Kinh, Triệu Tường (Thanh Hóa), Ngọa Vân, Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Tình trạng này nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến có thêm các di chỉ bị xóa sổ như một điều tất yếu đau xót.

Cần một tiếng nói chung

Để các giá trị không xung đột hoặc loại trừ nhau, cần một tiếng nói đồng điệu giữa bảo tồn và phát triển. Các nhà đầu tư cũng cần ý thức đầy đủ rằng: Những giá trị lịch sử, văn hóa từ hôm qua của di tích, di chỉ sẽ góp phần tạo thêm giá trị gia tăng cho các công trình hiện đại hôm nay. Cần đối thoại cởi mở với cộng đồng dân cư và tìm ra phương án triển khai phù hợp nhất. Làm được như vậy, thì dù quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều khu vực có di tích, di sản, sự đối thoại để đạt đến đồng thuận thắp lên hy vọng di sản sẽ tiếp tục "sống" trong đời sống đương đại. Để có kết quả tốt đẹp đó, điều cũng cấp bách không kém là nâng cao hiểu biết của cộng đồng về giá trị của di tích mà họ đang sở hữu. Khi người dân đã yêu quý di tích của mình và hiểu cách, họ sẽ là người bảo vệ nó tốt nhất.

Với văn hóa phi vật thể, cần khẳng định lại tinh thần của Công ước 2003 của UNESCO: "Cộng đồng quyết định những thực hành văn hóa của họ và quyền đó cần được tôn trọng". Tất cả những hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể đều cần được triển khai dựa trên nguyên tắc này, theo đó, cộng đồng cần được tham gia đến mức tối đa trong các hoạt động bảo vệ di sản cũng như trong công tác quản lý.

Với thời gian, không có gì bền vững mãi mãi nhưng lưu giữ ký ức lịch sử-văn hóa như thế nào thì con người có thể chủ động đưa ra phương cách của mình. Nhận thức đúng sẽ dẫn đến hành vi đúng. Điều này cũng đúng trong việc thực hiện những hành vi văn hóa nói chung và trong lĩnh vực bảo vệ các di sản văn hóa nói riêng. Tài nguyên văn hóa được cha ông truyền lại và tài nguyên thiên nhiên được tạo hóa ban tặng chính là "của để dành" vô giá cho chính thế hệ hôm nay và cho cả tương lai.