Cần một cú hích

|

Trong đợt cả nước căng thẳng chiến đấu với đại dịch Covid-19, những chú robot y tế có tên gọi VIBOT làm việc chăm chỉ và hết sức hiệu quả, lại hạn chế rủi ro lây nhiễm... đảm nhận vận chuyển thức ăn, đồ dùng cho bệnh nhân, vật dụng y tế từ ngoài vào khu cách ly điều trị. Mới đây, tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) 2022, mọi người vui mừng khi gặp lại những chú robot thân thiện đó và tỏ ra tự hào khi biết, sản phẩm do chính các kỹ sư Việt Nam sáng chế.

Những sản phẩm mang dấu ấn Việt

Tại sự kiện AI4VN năm nay, có hơn 20 đơn vị tham gia, đó là các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học... Họ đã giới thiệu cho người dùng những sản phẩm, giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với những trải nghiệm thú vị, mang đậm dấu ấn Việt, khiến cộng đồng nhận thức rõ hơn, công nghệ AI đã xâm nhập và làm thay đổi cuộc sống nhiều đến thế.

Vườn Quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) hiện đã áp dụng quản lý môi trường, bảo tồn rừng rất hiệu quả bằng việc lắp đặt các trạm quan trắc tự động thu về những dữ liệu như mực nước, độ ẩm, nhiệt độ môi trường, độ ô-xy hòa tan... Bên cạnh đó, hệ thống camera AI hỗ trợ thêm những dữ liệu, các cảnh báo cần thiết... Sản phẩm công nghệ này được xây dựng từ đề xuất đặt hàng của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim cho Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) với sự phối hợp hỗ trợ đắc lực của Chính phủ Australia.

Cũng tại sự kiện này, MoMo, một đơn vị được biết đến là nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng ví điện tử trên di động tại Việt Nam với hàng chục triệu người dùng có gian hàng tham gia triển lãm giới thiệu sản phẩm mới. Ông Thái Trí Hùng, Giám đốc công nghệ (CTO) MoMo, cho rằng, sản phẩm AI quét và nhận diện gương mặt người dùng (face payment) trong các giao dịch sẽ tiết kiệm, rút ngắn thời gian thanh toán chỉ còn khoảng vài ba giây cho mỗi hoạt động giao dịch. Đây được đánh giá là một trong những giải pháp tối ưu nhằm mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng cũng như giảm áp lực cho nhân viên bán hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Gian hàng của siêu ứng dụng MoMo thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, hào hứng tham gia trải nghiệm tính năng thanh toán nhanh chóng và tiện lợi này.

Lượng thí sinh đăng ký học ngành AI và khoa học dữ liệu còn thấp.

Giải pháp Voicebot FPT AI Engage - AI Voicebot thông minh tương tác hai chiều được FPT Smart Cloud trình diễn tại AI4VN cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là giải pháp Trợ lý ảo được tích hợp vào các tổng đài chăm sóc khách hàng, có khả năng tự động hóa các cuộc gọi đi (Outbound calls), tiếp nhận các cuộc gọi đến (Inbound calls), hoặc chuyển tiếp cuộc gọi thông minh (Smart IVR). Từ đó, Trợ lý ảo giúp tổng đài viên có thể tập trung xử lý các tác vụ phức tạp, đồng thời giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp. FPT AI Engage là một trong những sản phẩm chủ lực trong nền tảng Trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI giúp doanh nghiệp đột phá vận hành và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tiện lợi cho người dùng cuối. Sản phẩm công nghệ này được vinh danh là sản phẩm/giải pháp xuất sắc nhất chung cuộc của giải thưởng trí tuệ nhân tạo (AI Awards), nằm trong khuôn khổ sự kiện AI4VN 2022.

Ezin Car Physical Damage Inspection Solution cũng là giải pháp hữu ích hỗ trợ các công ty bảo hiểm chào bán sản phẩm trên mọi nền tảng cho chủ xe ô-tô, mọi thông tin được minh bạch cho cả nhà cung cấp và khách hàng, nhờ đó hạn chế tối đa tình trạng trục lợi bảo hiểm. Mua bảo hiểm ô-tô chỉ mất tầm năm phút, nhận bồi thường khi gặp sự cố nhanh chóng, dễ dàng, đó là mong muốn của mọi chủ xe. Giải pháp này hướng đến đối tượng khách hàng là các hãng bảo hiểm, cho thuê xe, các gara ô-tô...

Xu hướng làm chủ các sản phẩm AI made in Vietnam như xe tự hành, các hoạt động giám sát, robot tự động... đang trở nên phổ biến hơn. Những giải pháp công nghệ như nhận dạng chữ viết, giọng nói, bóc tách thông tin, giải pháp nhà thông minh ứng dụng trong đời sống như bật, tắt các thiết bị điện, đóng, mở cửa, rèm, các thiết bị vệ sinh nhà cửa... ứng dụng công nghệ AI, IoT ngày càng trở nên rộng rãi phổ biến ở nhiều lĩnh vực đời sống, trong an ninh, y tế, giáo dục, công nghiệp giải trí, nông nghiệp, giao thông, trong sinh hoạt hằng ngày tạo tiện lợi tối đa cho người tiêu dùng. Các kỹ sư Việt Nam đã bản địa hóa nó nhằm phù hợp thói quen, tập tính sinh hoạt của cộng đồng.

Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ ngành AI?

Hiện nay, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia đang chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực phát triển AI. Bên cạnh việc nắm bắt cơ hội phát triển, Việt Nam cũng đang đối mặt với bộn bề khó khăn cần kịp thời khắc phục như lỗ hổng trong công tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu, có chính sách đầu tư cụ thể để tạo đà phát triển.

Từ năm 2014, Việt Nam đã đưa AI vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển. Chính phủ xác định đây là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần tổ chức triển khai nghiên cứu nhưng chưa có những nội dung cụ thể thúc đẩy phát triển. Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 khẳng định, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng. Hiện nay, chúng ta đang nằm trong nhóm bốn nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

Theo bản báo cáo Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ do Oxford Insights kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, năm 2021, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62 trong 160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2020. Đó là tín hiệu đáng mừng và cũng chính là thách thức, bởi nếu Việt Nam không nỗ lực cải thiện sẽ mất thời điểm thuận lợi để phát triển.

Trước xu hướng các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngày càng có nhu cầu ứng dụng AI nhiều hơn, thiếu hụt nguồn nhân lực về AI chất lượng là thực trạng chung của nhiều nước, tuy nhiên, Việt Nam thiếu hụt trầm trọng hơn. Theo giới chuyên môn, nhân sự AI Việt Nam mới đáp ứng đủ 10% nhu cầu tuyển dụng. Giải pháp hiệu quả nhất để khắc phục là tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp - ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng AI Việt Nam bày tỏ.

Để phát triển AI cần sự hỗ trợ của Chính phủ, tạo hành lang pháp lý thông thoáng. Nhận thức rằng, máy móc công nghệ có thể thay thế bất cứ lúc nào nhưng con người thì không, chính vì thế, cần nâng cao nhận thức về ngành AI. Theo ông Hoài, cho đến nay, các cơ sở đào tạo tại Việt Nam mở thêm nhiều chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng có lẽ nhận thức về ngành AI và khoa học dữ liệu còn chưa đầy đủ. Tâm lý phụ huynh và cả người học còn e ngại, rằng trình độ, khả năng con em mình không đáp ứng được, cho nên lượng người đăng ký học ngành này luôn thấp nhất trong ngành khoa học công nghệ thông tin. Vì thế, nghịch lý là một ngành đào tạo đang rất nóng nhưng luôn ở tình trạng thiếu người học. Các cơ sở đào tạo cần chú trọng hơn việc cung cấp thông tin rõ ràng, đầy đủ về triển vọng, cơ hội phát triển nghề nghiệp khi theo đuổi ngành AI.

Công tác đào tạo chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI cũng cần nỗ lực điều chỉnh. Liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực là giải pháp căn cơ và hiệu quả trong thời điểm này. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Trí tuệ nhân tạo, FPT software cho rằng, nhu cầu xã hội về nhân lực ngành AI hiện rất lớn, vì vậy cuộc chiến “săn” nhân sự vẫn đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Với thế mạnh lực lượng lao động trẻ dồi dào, khả năng học tập thích nghi tốt, bản tính thông minh cần cù, Việt Nam có rất nhiều triển vọng tham gia thị trường nhân lực tiềm năng này.