Sau hai ngày cắt rừng, vượt qua hàng chục con suối, ghềnh đồi, chúng tôi đặt chân đến đỉnh ở độ cao 2.005 m. Theo một người dân ở đây dẫn đường chia sẻ, nói đến đỉnh Arung, người Cơ Tu nào sinh ra ở huyện vùng cao Tây Giang cũng biết. Thế nhưng để chinh phục “nóc nhà” cao 2.005 m này thì không phải ai cũng làm được vì địa hình trắc trở và cũng lắm hiểm nguy. Đặc biệt khi chinh phục đỉnh Arung quanh năm mây phủ ở vùng cao Tây Giang, người Cơ Tu còn phát hiện ra những cánh rừng pơ-mu, rừng lim xanh... từ hàng trăm đến nghìn năm tuổi.
Điều làm mọi người vỡ òa hạnh phúc không phải là cảm giác được đặt chân đến “nóc nhà” Tây Giang, mà đó là một phát hiện bất ngờ. Từ đỉnh cao phóng tầm mắt ra xa, một khu rừng đỗ quyên hiện ra bạt ngàn.
Nhiều người trong đoàn không nghĩ ở Tây Giang lại có một khu rừng đỗ quyên rộng lớn hơn 50 ha, có cây tuổi đời hàng trăm năm như vậy. Nhiều cây đỗ quyên cao từ 10 đến 20 m, gốc xù xì, rộng đến hai người ôm... Rừng hoa đỗ quyên nơi đây có đến 12 quần thể, với ba mầu: hồng, trắng và tím. Đây là ba mầu đặc trưng của đỗ quyên, loài hoa được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa.
Bình minh trên đỉnh Trường Sơn, rừng đỗ quyên thi nhau khoe sắc. Độ cao, không khí lạnh và khí hậu trong lành nơi đây đã nuôi dưỡng cho những cánh hoa đỗ quyên trên đỉnh Trường Sơn có một vẻ đẹp lạ thường. Và nét độc đáo của hoa nơi đây, không chỉ nằm ở mầu sắc, độ lớn của cánh hoa, mà vẻ đẹp của rừng đỗ quyên, còn nằm ở phần thân gốc. Mỗi gốc đỗ quyên cổ thụ như là một tác phẩm nghệ thuật.
Đứng trên cao nhìn xuống, cả khu rừng Arung như đang chìm trong giấc ngủ dài hàng trăm năm khi không hề có dấu hiệu tác động của con người. Trước khi tìm thấy khu rừng đỗ quyên trăm năm tuổi vào tháng 8-2016, một khu rừng nghìn năm tuổi khác là pơ-mu tại đỉnh Zi’liêng (cao 1.400 m) đã được người dân bản địa phát hiện vào năm 2011. “Vương quốc pơ-mu” này rộng đến 4.500 ha, nằm ngay biên giới Việt - Lào. Riêng vùng lõi rộng chừng 450 ha, trong đó có 725 cây pơ-mu được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào tháng 5-2016.
Quần thể rừng trên đỉnh núi Arung thuộc hệ sinh thái rừng trong vùng khí hậu Á nhiệt đới. Các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, một số loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Một số loài cây được phát hiện trong chuyến phượt lần này như quần thể đỗ quyên khá rộng, thông năm lá, các loại cây thuốc như lan gấm, lan kim tuyến, dạ cẩm, ngọc cẩu… đây là các loài rất quý hiếm và nguy cấp tại Việt Nam; chắc chắn còn rất nhiều loài quý hiếm khác tồn tại ở quần thể rừng này.
Một chuyến đi phượt thú vị và nhớ mãi. Hẹn gặp lại Arung - Tây Giang.
Bất ngờ trên “cổng trời” Arung
|