Giáo dục cầu thủ (Bài 3): Cầu thủ dễ sa ngã, nếu...

|

Từng là những người có nhiều năm là cầu thủ, làm công tác đào tạo trẻ, làm bóng đá chuyên nghiệp, HLV Phạm Minh Đức và cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam đã có những góc nhìn, chia sẻ tâm huyết cùng Nhân Dân hằng tháng chung quanh vấn nạn đang xảy ra trong môi trường bóng đá Việt Nam.

Nỗi buồn của người thầy

Những bê bối vừa qua thật sự là một dấu lặng buồn của bóng đá Việt Nam. Đặc biệt là với HLV Phạm Minh Đức - người từng là thầy của một số cầu thủ đội Hà Tĩnh “nhúng chàm”, đang cảm nhận nỗi đau khó có thể diễn tả được.

“Cá nhân tôi đau lòng lắm khi xảy ra vụ việc. Chính tôi là người đầu tiên đặt nền móng và gây dựng lên đội bóng Hà Tĩnh. Tiền thân của CLB Hà Tĩnh là đội trẻ Hà Nội, vì thế tất cả những cầu thủ thi đấu cho Hà Tĩnh thời gian đầu đều là những cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo trẻ Hà Nội. Thí dụ như Dương Quang Tuấn là cầu thủ điển hình của lứa 1996 như Duy Mạnh.

Khi chuyển giao cho Hà Tĩnh năm 2018, đến năm 2019 thì đội lên hạng V.League. Tôi đã sống cùng các cháu trong nhiều năm. Với cầu thủ trẻ, ở đâu cũng vậy, mình luôn sát sao, quản lý giờ giấc, sinh hoạt. Tôi từng dạy Dương Quang Tuấn từ năm 2013 khi mới 17 tuổi. Đó là cầu thủ rất ngoan, đạo đức tốt và là người gắn bó với Tuấn nên khi biết xảy ra vụ việc thì tôi buồn lắm. Tôi cũng rất bất ngờ khi Đinh Thanh Trung liên quan đến vụ việc. Cầu thủ này sinh năm 1988, đã học bằng HLV rồi. Tôi không thể diễn tả được, bởi đây là trường hợp đầu tiên, chưa từng xảy ra. Đây là bài học lớn cho những người phía sau.

Đến giờ phút này, tôi vẫn lấy chuyện này để răn đe cầu thủ của mình ở Trung tâm đào tạo trẻ Hà Nội. Tôi nói với cầu thủ rằng “đó là một bài học và chú là người thất bại, vì Tuấn là học trò cũ, cũng là cầu thủ xuất thân từ lò Hà Nội”, HLV Phạm Minh Đức tâm tư.

“Về góc độ chuyên môn, tôi cho rằng đầu tiên thì người quản lý đội bóng phải chịu trách nhiệm. Tất nhiên cầu thủ cũng bị xã hội lôi kéo, nhưng mình là quản lý thì phải kéo học trò ra. Tôi cũng rất mong muốn báo chí lên tiếng mạnh mẽ để cầu thủ họ nhìn vào mà tránh xa các tệ nạn xã hội. Hy vọng là không có trường hợp tương tự xảy ra bởi nó ảnh hưởng rất lớn tới bóng đá Việt Nam”, HLV Phạm Minh Đức nhấn mạnh.

Xã hội phức tạp, cầu thủ dễ bị cám dỗ

“Bây giờ khi tôi đang quản lý lứa cầu thủ U19 Hà Nội, nội quy trong sinh hoạt của đội rất quan trọng. Tôi đề ra quy định là từ 21 giờ 30 phút tới 22 giờ sẽ thu điện thoại của các cháu. Sau đó tôi điểm danh toàn bộ đội bóng vào lúc 22 giờ 30 phút, kiểm tra xem có thiếu ai hay không. Các cầu thủ ra khỏi cổng của Trung tâm là bảo vệ báo ngay.

Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Hà Nội được đánh giá cao trong việc huấn luyện cả về chuyên môn lẫn đạo đức cho cầu thủ. (Ảnh: TTĐTTHN)

Cuộc sống hiện nay không như 15-20 năm trước. Bây giờ riêng chuyện học sinh hút thuốc lá điện tử là một tệ nạn. Vì thế, chúng tôi là những người làm đào tạo trẻ thì càng phải nghiêm túc quản lý cầu thủ.

Tôi từng quản lý nhiều đội bóng, đặc biệt là các đội trẻ, vì vậy luôn phải hiểu cầu thủ, hiểu từng nhóm cầu thủ. Hoàn cảnh gia đình của các cầu thủ là khác nhau và biết cầu thủ nào mới lớn để nắm được tâm sinh lý. Ngay cả cầu thủ có gia đình nhưng ở xa thì mình cũng phải kiểm soát. Đó là sự kỷ luật cần thiết”, HLV Phạm Minh Đức chia sẻ về kinh nghiệm của mình.

“Riêng cầu thủ Việt Nam thì đừng nói là chuyên nghiệp, kể cả cầu thủ nước ngoài khi sang Việt Nam cũng không chuyên nghiệp, vì môi trường của chúng ta. Văn hóa nước ngoài không có chuyện bạn rủ cầu thủ đi nhậu. Nhưng văn hóa của nước ta là một cầu thủ chỉ cần chơi hay là có những người bạn khác, một người đại diện khác và họ gọi đi nhậu là đi. Đây là một trong những vấn đề quản lý cầu thủ Việt Nam rất khó.

Là người quản lý, tôi nói với cầu thủ rằng: Các bạn đang đi kiếm tiền thì phải thật sự chuyên nghiệp. Tất cả những cám dỗ của xã hội thì cố gắng hạn chế tối đa. Tôi rất thích cầu thủ nào đã lập gia đình. Khi có vợ, con bên cạnh thì người ta quản lý hộ mình”, HLV Phạm Minh Đức nói.

Chia sẻ về quãng thời gian khi còn thi đấu, HLV sinh năm 1976 này cho biết: “Tôi từng làm bóng đá trẻ, làm bóng đá chuyên nghiệp, là cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu xa nhà. Khi có gia đình, tôi thi đấu ở Gia Lai, nhưng luôn có kỷ luật bản thân. Ai rủ tôi đi nhậu rất khó, chứ chưa muốn nói tới chất cấm. Tôi lựa chọn cách lành mạnh nhất trong sinh hoạt là chơi điện tử Play Station, đến giờ là đi ngủ. Khi tôi đá bóng ở Đà Nẵng là nơi phồn hoa thì càng phải giữ mình, rồi ở Bình Dương hay Hà Nội cũng vậy”.

“Xã hội rất phức tạp, cầu thủ lại có nhiều tiền, từ bàn nhậu lại ra bàn khác. Để hạn chế tối đa những vụ việc như vậy thì không có gì khác là các đội bóng vẫn phải tuyên truyền, giáo dục hằng ngày, đồng thời quản lý, kêu gọi cầu thủ phải chuyên nghiệp. Những trường hợp vi phạm phải bị kỷ luật thật nghiêm để răn đe cầu thủ khác. Một cầu thủ nổi tiếng đến đâu nếu vi phạm thì cũng mất hết sự nghiệp, thậm chí là tan nát gia đình và đi tù”, HLV Phạm Minh Đức chốt lại.

Cựu danh thủ Đặng Phương Nam khi còn làm đào tạo trẻ. (Ảnh: I.N)

Cầu thủ tự quyết định lựa chọn

Từng có nhiều năm thi đấu và đặc biệt là làm công tác đào tạo trẻ ở CLB Thể Công (nay là Thể Công Viettel), cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam thẳng thắn chia sẻ quan điểm: “Tôi cho rằng nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố tổng thể, trong đó đặc biệt là môi trường chung quanh. Bản thân các cầu thủ đều không xấu, nhưng không kiểm soát được mình.

Câu chuyện này chủ yếu là trách nhiệm của mỗi cá nhân, vì ai cũng được giáo dục, đào tạo, nhắc nhở tất cả mọi thứ. Môi trường cuộc sống thì có chỗ tốt, chỗ xấu. Xấu thì nhiều, ngay ở Thủ đô cũng có, nhưng điều quan trọng là cầu thủ tự quyết định sự lựa chọn của mình.

Khi còn làm đào tạo trẻ, tôi luôn đặt ra câu hỏi với các cầu thủ rằng họ đam mê và muốn gì trong cuộc sống. Nếu muốn bóng đá thì phải đặt bóng đá lên trên hết, phải biết phấn đấu như nào, hy sinh như nào, còn không muốn bóng đá thì đi làm việc khác cũng được, đỡ mất thời gian cho tất cả mọi người. Các CLB cần phải có công tác giáo dục toàn diện, từ tác động vào nhận thức, tư tưởng của từng người, môi trường sống chung quanh, những tấm gương, bài học. Tất cả phải có một quy chuẩn như vậy”.

Cựu tiền đạo Thể Công cũng cho rằng, môi trường tập luyện và thi đấu cũng có thể ảnh hưởng đến lối sống của cầu thủ: “Thực ra mỗi môi trường, mỗi nơi có những câu chuyện riêng khác nhau. Thí dụ như ở Hà Nội thì cầu thủ có nhiều cơ hội để học thêm và tham gia các hoạt động khác. Ở Hà Tĩnh có thể ngoài bóng đá ra các cầu thủ cũng không còn việc gì khác để làm. Nếu cầu thủ không xác định được động lực và công việc ngoài bóng đá một cách rõ ràng và chuẩn mực thì cũng dễ bị sa ngã”.

Từ năm 2012, VFF đã ban hành bộ quy tắc Đạo đức nghề nghiệp dành cho cầu thủ, HLV, trọng tài. Song, liệu có mấy người theo nghiệp bóng đá thuộc lòng và làm theo chuẩn chỉ những quy tắc đó? Giấc mơ sân cỏ chuyên nghiệp đến không hề dễ dàng và không phải ai cũng đủ “sức đề kháng” cùng bản lĩnh để tự bảo vệ mình tránh xa những tiêu cực.