Nhà văn Vũ Ngọc Phan kể rằng, trong những gia đình mẫu mực cổ điển Hà Nội, ở các phố giao thương sầm uất ngày xưa kiểu như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai... quyền quyết định kinh tế luôn nằm trong tay các bà mẹ bà vợ hoặc các cô con gái lớn. Đám ông bố hay ông chồng chỉ chăm học cho giỏi rồi cao đạo ngồi uống trà hoặc nhàn tản chơi cây cảnh, hầu như tất cả bọn họ đều không biết đếm tiền. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều ông Nghè, ông Thám thời trong veo phong kiến rất thích “mốt” để móng tay lá lan, đến gãi lưng cũng phải để người khác gãi hộ. Tuy nhiên có một điều thật đáng tôn trọng, gia phong trong các ngôi nhà “tứ đại đồng đường” đấy luôn thuần khiết nghiêm cẩn. Các quý bà quý cô tuy nắm quyền tài chính, nhưng luôn lễ phép kính trên nhường dưới. Họ trọng chồng chiều con. Cơm canh tươm tất hai bữa, gọi dạ nói vâng, câu dài câu ngắn đều thưa gửi “thầy nó”. Những thằng con giai phố cổ được may mắn sinh ra trong ngôi nhà hạnh phúc đó, lúc trưởng thành đều giỏi giang tử tế lương thiện. Biết trung với nước, biết hiếu với người thân. Gia đình cụ cử Lương Văn Can ở số 4 Hàng Đào là thí dụ điển hình, cậu con giai thứ là Lương Ngọc Quyến khét tiếng phong lưu. Nhưng có điều nên nhớ, trong các danh nhân cận đại được trân trọng đặt tên phố của Hà Nội, thì hai bố con cụ cử là trường hợp duy nhất.
Vẫn thời xa xưa, khi chưa có nền kinh tế thị trường mang vẻ trí thức, thì những doanh nhân nữ thạo buôn thạo bán, thỉnh thoảng bị người đời suồng sã gọi là “thương nữ”. Thương nữ hoàn toàn không phải là một phụ nữ đáng thương mà đại loại là những đàn bà do đặc thù nghề nghiệp cần hoạt bát kỹ xảo, dù bản chất vừa đảm đang vừa tảo tần. Văn hóa phương Đông vốn chỉ biết trọng chữ chứ chưa biết trọng tiền nên thương nhân nói chung bị đánh giá thấp, xếp dưới cùng theo thứ tự vị thế xã hội Sĩ, Nông, Công, Thương. Nam thương nhân lẫy lừng cỡ như Lã Bất Vi biết buôn cả vua mà còn chẳng là gì huống nữa là thương nữ. Có lẽ với thành kiến như vậy, một nam dịch giả không bao giờ đi hát karaoke đã nhỡ dịch hai câu kết ở bài tứ tuyệt khét tiếng “Bạc Tần hoài” của nhà thơ lớn người Trung Quốc là Đỗ Mục (803 - 852) “Thương nữ bất tri vong quốc hận. Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa” thành “Gái buôn không biết hờn mất nước. Bên sông vui hát khúc dâm ca”. Thực ra, Hậu Đình Hoa (bông hoa sau đình) là tên một điệu khúc vừa sáo vừa sến vừa lâm ly giống hệt như nhiều ca khúc của vài nhạc sĩ trẻ bây giờ. Chỉ có điều đặc biệt, người sáng tác ra nó là một ông vua nghệ sĩ bên Tầu tên là Trần Thúc Bảo (553 - 604), hoàng đế cuối cùng của thời tao loạn Nam - Bắc triều, vốn dòng dõi của viên bạo tướng Trần Bá Tiên đã từng vào xâm lược nước ta. Nhân đây cũng xin lan man. Thường thì người ta hoặc uống rượu hoặc mê đàn bà rồi lầm lẫn mất nước. Duy có đế vương yêu ca nhạc đến mức vong quốc như Trần Thúc Bảo thì chắc lịch sử chỉ có một. Còn “thương nữ” theo đúng từ nguyên, nghĩa là cô gái trẻ tóc vẫn còn xanh, thành ngữ đau đớn đa đoan “thương hải tang điền” (biển xanh hóa nương dâu) là thí dụ. Vì thế có bậc túc nho người Việt đã thoát dịch “thương nữ” là “con hát” (Thơ Đường - NXB Văn Học, trang 263). Cách dịch này vừa hay vừa chính xác bởi thi hào họ Đỗ vốn là một tay chơi sành điệu, ông có hơn mười năm lăn lóc trong các quán rượu đông kỹ nữ ở Dương Châu. Thơ tự thuật của ông chân thành giễu cợt tự thú, “Thập niên nhất giác Dương Châu mộng. Doanh đắc thanh lâu bạc hạnh danh”. Nói cho cùng, chữ nghĩa gốc gác thì là vậy, nhưng dân gian vẫn hồn nhiên, họ chỉ thích hiểu “thương nữ” là chữ viết tắt của “nữ thương gia”.
Hồi Hà Nội còn trong veo bao cấp, nền kinh tế có rất ít tư hữu, thương nữ buôn bán nhỏ ngoài vỉa hè bị xếch mé gọi là “con phe”. Nhiều học giả biết rộng uyên bác giải thích, đó là xuất xứ từ chữ affair ở tiếng Tây. “Con phe” điển hình đương nhiên phải là đàn bà, tuổi khoảng hăm nhăm đến bốn nhăm, ăn mặc lành lặn nhưng lam lũ. Và do suốt ngày vất vả bêu nắng, da họ ngăm ngăm đen còn tóc hoe hoe vàng. Bọn họ mỏi mệt thường đứng trước các cửa hàng mậu dịch quốc doanh có bán đủ thứ bách hóa lương thực thực phẩm hoặc rạp chiếu phim hay rạp hát, mua đi bán lại tấm vé rồi bìa tem phiếu mong chênh lệch kiếm chút lời còm cõi. Thân phận của họ nhang nhác như lời bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương. “Quanh năm buôn bán ở mom sông” chịu “thân cò lặn lội” cốt để “nuôi đủ năm con với một chồng”. Tuy vẻ bên ngoài gân guốc đanh đá, nhưng sâu thẳm bên trong “con phe” ướt đẫm nhân hậu vị tha. Họ thường xuyên nhịn bữa sáng, tối sẩm về nhếu nháo nhai cơm nguội, dành dụm tiết kiệm tiền lo lắng cho sự nghiệp của chồng, ăn học của con. Tới thời nước ta mở cửa đổi mới, rất nhiều đàn ông may mắn trở thành những trí thức ngay thẳng tử tế, phần lớn nhờ vào có mẹ là tần tảo “con phe”. Chao ôi, lịch sử đau thương của nhân loại nhiều bi tráng này, có không ít trang được rực rỡ là nhờ từ cặm cụi mồ hôi nước mắt của những hiền mẫu vốn xuất thân thương nữ.
Xã hội đương đại của ta càng ngày càng văn minh tươi đẹp, Đảng và nhà nước khuyến khích người dân được minh bạch làm giàu, việc thương nữ xuất hiện đông đảo là hiển nhiên. Trai thời loạn gái thời bình mà. Trên sàn chứng khoán nườm nượp những nhà đầu tư nữ, và cứ ra đường là gặp nhan nhản các giám đốc gái. Ở nhiều buổi đấu giá các tác phẩm nghệ thuật với mục đích từ thiện truyền hình trực tiếp, người ta hay gặp những thiếu phụ đôi khi có thể là thiếu nữ beo béo một tý, thời trang tương đối khó tả, thường trả giá rất cao cho một bức tranh hay một tập thơ nào đó. Lúc ban tổ chức xướng tên kèm chức danh, hầu hết khán giả đều không thấy bất ngờ lắm bởi thiếu phụ hoặc thiếu nữ đấy đa phần là một nữ chủ doanh nghiệp.
Tất nhiên, hầu hết các nữ thương gia người Việt hôm nay, vẫn giữ sâu trong mình những nét tốt đẹp truyền thống từ các bà, các cô giỏi buôn giỏi bán đi trước. Chẳng nói đâu xa, trong những ngày bão dịch Covid-19 đang tàn phá thương trường, thì họ vẫn dũng cảm đương đầu với một bản lĩnh thật đáng khâm phục. Không quá ỷ lại vào những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, những thương gia nữ luôn chủ động ở tuyến đầu trong công cuộc giữ gìn ổn định nền kinh tế. Quả quyết, nhẫn nại, khôn và ngoan, họ thật xứng với câu cảm thán của nhà thơ thành Nam nghẹn ngào thương vợ, “năm nắng mười mưa dám quản công”.
Hạnh phúc thay đàn ông Việt, khi đã được sinh ra ở mảnh đất có những người mẹ người vợ như vậy.