“Quả thơm thì ở lại”

|

Người ta vẫn thường hay nói nhà thơ không có tuổi. Đó là một cách nói vui, lãng mạn, nghiêng về phía an ủi nhau. Thật ra, ai cũng vậy thôi, nhà thơ cũng như tất thảy chúng sinh, không tránh khỏi quy luật của tự nhiên. Tất thảy chúng ta già dần dần, đi theo quy luật của muôn đời: sinh, lão, bệnh, tử… không thể khác.

Tập thơ này là tập thứ tám của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. Đây là tập thơ của người tuổi lớn.

Người tuổi lớn này đã có một thuở thiếu thời, thuở tuổi trẻ đắm say, đam mê, khờ khạo và vô cùng đẹp đẽ. Chắc nếu ai đọc thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát không dễ quên được những vần thơ thanh xuân, tình tứ, duyên dáng của những thi phẩm như “Biển” chẳng hạn, trong đó có những câu thật ấn tượng: Biển cồn cào suốt đêm/Biển chính là em đấy/Yêu anh nhiều biết mấy/Anh vô tình như đất ấy thôi...

Bây giờ thì người sinh ra những vần thơ này, rất đỗi tự nhiên, chuyển sang những vần thơ chiêm nghiệm, lắng lại, suy tư, hướng về sự an nhiên, tự tại, mang âm hưởng của cõi Thiền: Ta ngồi Thiền/Cùng con chữ/Mênh mang (Một mình). Rất nhiều những câu thơ nói về tuổi già, về vui buồn, được mất, về cảnh nhà, con cái, về giới hạn kiếp người, về sự siêu thoát… Có những siêu nghiệm rất gần với cảnh giới Thiền: Người ta bảo đời là bể khổ/Thì nỗi buồn chỉ là giọt nước trong bể khổ ấy thôi (Tôi đi rao bán nỗi buồn).

Tuy nhiên, với người thơ này, trong khi ý chí thúc giục đến với Thiền, mong cầu Thiền sẽ an ủi cho kiếp người đang đáo hạn thì những cảm xúc của con tim, lòng khát yêu sự sống bằng một cách tự nhiên nhất lại cưỡng chống sự nương náu Thiền đó. Đây là một mối mâu thuẫn khá rõ và nhất quán trong tâm hồn thi sĩ.

Trái tim của người thơ này vẫn không thôi thao thức, không thôi mất ngủ: Miên man cái nỗi con người/Vì chưng mất ngủ nói lời của đêm (Đêm không ngủ). Câu thơ như tố cáo về nỗi tha thiết yêu sự sống, gắn bó với sự sống của tâm hồn thi sĩ.

Thế cho nên nhà thơ tìm đến hát ru, tự ru mình, tự vỗ về, an ủi mình, tự dỗ mình. Một khi con người ta tự ru vỗ mình, cũng tức là rơi vào trạng thái cô đơn, không còn nơi bấu víu: Ngày mai bão lũ sẽ qua/Bao nhiêu nỗi khổ chẳng là gì đâu/Mây bay gió thổi trên đầu/Ngủ đi quên hết nỗi sầu riêng chung/Một mai giấc ngủ tận cùng/Chẳng cần ru cũng mịt mùng… bay bay (Tự ru). Những câu thơ đã chạm vào nỗi sinh tử của kiếp người.

Nhưng dường như cảm quan hướng về sự sống của thi sĩ vẫn không thôi thao thức: Và mỗi năm khi mùa xuân đến/Như si già/Ngàn tuổi/gió thổi/vẫn reo… (Tìm xuân). Đó là một lực sống đẹp đẽ, hàm chứa năng lượng tích cực, chống lại cái vô tăm tích, chống lại sự tàn lụi, hư hoại. Khát vọng thiêng liêng ấy chỉ có thơ mới có thể làm được.

Tôi cho rằng ở tập thơ này, như một sự chụm lại tự nhiên, từ đầu đến cuối, nhà thơ tập trung biểu đạt một mối mắc mớ nội tâm không dứt: vừa hướng tới cõi Thiền vừa bị cõi sống trần thế này níu kéo. Cả tập thơ chao đảo trong nỗi giăng mắc đó.

Tuy nhiên, kết cục của trạng thái giăng mắc này được người thơ hướng đến, khẳng quyết bằng một hình ảnh rất đẹp đẽ, trìu mến: Gần một đời đang qua/Quả thơm thì ở lại (Quả thơm thì ở lại). Đây là một chiêm nghiệm có tính suy tư, kết lại bằng một hình ảnh đẹp, ấm áp, thân thương. Vâng, tất cả rồi sẽ tuột khỏi tay ta như một định mệnh, một tất yếu, nhưng chắc chắn không tất tay, không trôi hết. Người thơ tin vào bản thân mình vẫn còn có gì đó neo lại với cuộc đời này, không bị rơi vào chốn hư vô.

Xét theo nghĩa ấy, tập thơ “Những con sóng” của Nguyễn Thị Hồng Ngát biểu thị tinh thần kháng cự nỗi buồn định mệnh một cách cảm động. Niềm tin ấy chỉ có thơ ca mới có khả năng mang lại cho con người.

Tên tập thơ “Những con sóng” chẳng phải đó là một ngụ ý về sự sống vô tận, miên viễn, không bao giờ chịu tắt đó sao!

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát

SÁCH

Những quyển sách đời người
Nằm im lìm trên giá
Nếu ta không đọc nó
Sao biết sách nói gì

Trăn trở và nghĩ suy
Những đêm dài thao thức
Người viết đang viết gì
Không đọc sao biết được

Những quyển sách dày cộp
Bụi phủ cùng tháng năm
Mồ hôi và nước mắt
Liệu rồi vô nghĩa chăng

Mải đuổi theo áo cơm
Chữ toàn chữ thấy ngại
Tóc bạc hết cả rồi
Đường xa chân đã mỏi

Sách toán sách im lìm
Chữ toàn chữ lặng thinh
Một đời người cầm bút
Gửi lại cùng xa xăm…

Minh họa | NGUYỄN MINH

TÌM XUÂN

Tôi đi tìm
Tuổi đôi mươi rơi ở đâu rồi
Tuổi ba mươi
Bốn mươi
Và năm mươi nữa
Năm tháng cứ xếp chồng lên nhau
Ngộp thở
Từ một cô gái
Rồi thiếu phụ
Rồi người đàn bà
Tóc đã hoa râm
Ôi thời gian
Không kịp nhớ-đã đêm
Không kịp quên- đã sáng
Tôi ơi
Thôi đừng tìm đừng tiếc
Cây si ngàn tuổi gió thổi vẫn reo
Tôi đi tìm tôi ở đâu
Khi trước mặt mỗi ngày ta sống
Hoa vẫn nở thơm lừng ngõ vắng
Tiếng ríu ran lũ trẻ nô đùa
Nhịp sống mỗi ngày tấp nập đi qua
Tôi là đấy tìm đâu cho mệt
Và mỗi năm khi mùa xuân đến
Như si già
Ngàn tuổi
Gió thổi
Vẫn reo…