Lấy lại vị thế cho Pencak Silat

|

Cuối tháng 2 vừa qua, đội tuyển Pencak Silat đã “mở hàng” năm 2022 cho võ thuật Việt Nam trên đấu trường quốc tế với “cơn mưa vàng” tại giải Vô địch Pencak Silat Đông Nam Á lần thứ 8 tại Singapore. Đây là kết quả rất khả quan để các võ sĩ Việt Nam tự tin hướng tới SEA Games 31 trên sân nhà diễn ra vào tháng 5 tới.

Nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho mục tiêu “săn vàng” tại SEA Games 31, tuyển Pencak Silat Việt Nam đến Singapore với những võ sĩ nòng cốt, được xem là xuất sắc nhất thi đấu hai nội dung đối kháng và biểu diễn. Và không nằm ngoài sự mong đợi, sau ba ngày tranh tài, tuyển Pencak Silat Việt Nam đã tạo nên dấu ấn khi áp đảo các đối thủ ở nội dung đối kháng tại giải Vô địch Đông Nam Á, đứng vị trí thứ 2 chung cuộc với 9 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ, sau đội tuyển nước chủ nhà.

Sau 2 HCV mở màn của võ sĩ Bùi Văn Thống và Đinh Thị Kim Tuyến, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam đã tạo ra địa chấn ở nội dung đối kháng trong ngày thi đấu cuối cùng với bảy võ sĩ ghi tên mình lên bảng vàng. Trong đó, Nguyễn Duy Tuyến và Lê Văn Toàn vẫn giữ vững được phong độ với những chiến thắng tuyệt đối. Một số gương mặt trẻ được kỳ vọng cũng gây ấn tượng như Lê Thị Vân Anh hay Vũ Văn Kiên. Trong đó, nổi bật là tấm HCV của Nguyễn Tấn Sang ở hạng cân 80 kg nam. Võ sĩ trẻ sinh năm 1999 đến từ TP Hồ Chí Minh này đã trưởng thành hơn qua nhiều giải đấu, giành HCV châu Á năm 2019. Tuy nhiên, điểm đáng tiếc nhất với tuyển Pencak Silat Việt Nam tại giải lần này là hai tấm HCB của Nguyễn Thị Cẩm Nhi và nhà vô địch ASIAD 2018 Nguyễn Văn Trí (hạng 95kg).

Cũng như các môn thể thao khác bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, từ năm 2019 các võ sĩ Pencak Silat không được tham gia giải đấu quốc tế nào. Chính vì vậy, giải Vô địch Đông Nam Á vừa qua là bước chạy đà quan trọng của các tuyển thủ Việt Nam, đồng thời cũng thăm dò được trình độ lực lượng của các đội tuyển trong khu vực trước khi bước vào SEA Games 31. 

Bên cạnh đó, giải năm nay cũng áp dụng luật mới sửa đổi, nhiều đòn thế được đưa vào sử dụng như chỏ, gối, túm kéo, đánh ngã, cắt kéo... Trước đó, tháng 12/2021 tại giải Vô địch Pencak Silat Quốc gia cũng đã áp dụng luật thi đấu mới theo hệ thống quốc tế. Tuy nhiên, theo HLV trưởng đội tuyển Pencak Silat Việt Nam Nguyễn Văn Hùng, gần như chúng ta cũng chưa nắm bắt được hết các kỹ thuật thay đổi trong luật thi đấu mới và giải đấu lần này là cơ hội để toàn đội nắm chắc luật hơn cũng như cách thức tổ chức như tại một kỳ SEA Games. Ngoài ra, các võ sĩ đến từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore sẽ là những trở ngại lớn, bởi nền tảng thể lực và khả năng thích ứng tốt với tiêu chí thi đấu mới.

Pencak Silat đã từng là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam ở các kỳ đại hội thể thao khu vực, đặc biệt ở những nội dung đối kháng. Trong 10 năm trở lại đây, các võ sĩ Silat của chúng ta đã mang về nhiều danh hiệu tầm cỡ như kỳ tích bốn lần vô địch thế giới của VĐV Nguyễn Duy Tuyến hay chiến tích hai tấm HCV ASIAD 18 của Nguyễn Văn Trí, Trần Đình Nam. Tuy nhiên ở những kỳ đại hội gần đây, các nước chủ nhà thường loại đi nhiều hạng cân thế mạnh của Pencak Silat Việt Nam, khiến thành tích bị sụt giảm nghiêm trọng. Tại SEA Games 30-2019, ở nội dung đối kháng nước chủ nhà Philippines chỉ giữ lại 5 hạng cân: dưới 50kg, 55kg và 65kg nam; dưới 55kg, 50kg nữ, khiến Pencak Silat Việt Nam chỉ giành được 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ.

Ngay sau giải Đông Nam Á, đầu tháng 3, tấm vé tới SEA Games của các võ sĩ Việt Nam sẽ được quyết định tại giải Cúp các CLB diễn ra ở Cao Bằng. Cuộc cạnh tranh sẽ rất khốc liệt bởi tại Đại hội, riêng nội dung đối kháng Pencak Silat Việt Nam đặt chỉ tiêu từ 3-4 HCV. SEA Games 31 năm nay với tiêu chí giảm bớt các môn thi đấu nhưng bổ sung đầy đủ các nội dung, nhiều hạng cân ở nội dung đối kháng đã được đưa trở lại sẽ mang lại nhiều cơ hội tranh tài hơn cho các võ sĩ và cũng chính là cơ hội để các võ sĩ Silat Việt Nam bằng sức bền ý chí, tài năng và khát khao để lấy lại vị thế vốn có của mình.

Tại SEA Games 2021, môn Silat sẽ tổ chức thi đấu từ ngày 10 đến 16/5 tại nhà thi đấu Bắc Từ Liêm (Hà Nội).