Không nên tuyệt đối hóa vai trò của sách giáo khoa

|

NDO - Theo quy định của Luật Giáo dục, SGK là tài liệu quan trọng, mang tính pháp lý trong dạy và học. Có một thời, trong các nhà trường luôn tuyệt đối hóa vai trò của SGK, với quan niệm không được lệch sách, dù chỉ một dấu phẩy. Tuy nhiên, tại cuộc tọa đàm “SGK và chuẩn mực trong biên soạn”, những người viết sách, nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng cần thay đổi cách nhìn về SGK.

* Tham gia cuộc tọa đàm có các ông: Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Giáo dục trung học, Lê Tiến Thành: Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo); PGS, TS Nguyễn Thúy Hồng: Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông - Viện Khoa học giáo dục; Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái: Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục; GS Nguyễn Lân Dũng: Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học - giáo dục (thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); PGS, TS Nguyễn Hữu Chí: Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS, TS Trần Kiều: Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-giáo dục; GS Nguyễn Khắc Phi: Nguyên Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục; GS, TSKH Hồ Ngọc Đại: Nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục; GS, TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Nguyên Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia; PGS, TS Văn Như Cương: Nguyên Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân lập Lương Thế Vinh.

NÊN COI SÁCH GIÁO KHOA LÀ MỘT TÀI LIỆU DẠY, HỌC

Phát biểu mở đầu cuộc tọa đàm, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân chuyển bức xúc của dư luận xã hội đối với chương trình sách giáo khoa hiện nay tới các đại biểu là những người quản lý giáo dục, nhà biên soạn sách, nghiên cứu giáo dục: “Chương trình SGK là linh hồn của nền giáo dục, song cách quản lý ở ta hiện nay dường như vẫn tồn tại một số bất cập. Các phương tiện truyền thông đã đề cập nhiều đến vấn đề này. Với trách nhiệm phản ánh nguyện vọng của nhân dân, giúp các nhà hoạch định chính sách giáo dục có những quyết sách phù hợp, Báo Nhân Dân mong muốn cuộc tọa đàm nhìn thẳng vào thực trạng sách giáo dục hiện nay, lý giải nguyên nhân và đưa ra những gợi ý thiết thực nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề đang được dư luận xã hội vô cùng quan tâm này”.

Dưới góc độ của nhà quản lý, ông Vũ Đình Chuẩn cho rằng, cần phân biệt Chương trình và SGK để thấy được vai trò, giá trị của từng loại tài liệu. Trong giáo dục phổ thông, chương trình là văn bản mang tính pháp lý, còn SGK là tài liệu chính được sử dụng trong dạy học, chỉ có tính hướng dẫn. Khái niệm “chuẩn mực” trong xây dựng chương trình và biên soạn sách có thể hiểu là những yêu cầu cơ bản mà chương trình và SGK phải đạt tới. Chương trình phải bảo đảm tính hiện đại, tính ổn định tương đối, tính thực tiễn, hợp lý và kế thừa giữa các cấp học và trình độ đào tạo. Trên cơ sở đó, SGK phải được biên soạn dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình; phải đáp ứng được những yêu cầu cụ thể về kiến thức, bảo đảm tính liên môn và tính liên thông giữa các cấp học, cách tiếp cận nội dung phải phù hợp trên cơ sở ngôn ngữ và cách diễn đạt rõ ràng, chuẩn mực.

Đồng ý sách giáo khoa có tính hướng dẫn, bà Nguyễn Thúy Hồng mở rộng hơn vấn đề này. Bà Hồng cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, quan niệm về SGK đã có nhiều thay đổi. SGK là tài liệu giáo khoa được sử dụng chính thức, thống nhất, ổn định trong giảng dạy, học tập và chỉ là một kênh cung cấp thông tin có tính chuẩn mực cho mọi đánh giá và thi cử trong các nhà trường. Từ quan niệm thay đổi đó sẽ dẫn đến thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về SGK. Vì vậy, không tuyệt đối hóa vai trò của SGK trong dạy và học, càng không nên có quan niệm sai lầm coi SGK là “pháp lệnh”.

Với tư cách là người đã tham gia xây dựng chương trình SGK, PGS, TS Trần Kiều cũng đồng ý rằng không nên “nặng nề” quá với sách giáo khoa mà nên coi sách giáo khoa là tài liệu soạn bài của giáo viên, tài liệu học của học sinh, vì bên cạnh đó còn có nhiều nguồn tham khảo khác. Chia sẻ về những chuẩn mực cụ thể phải có của chương trình, sách giáo khoa những năm qua, PGS, TS Trần Kiều cho biết, để đánh giá “chuẩn” của sách giáo khoa, chúng ta đã có bộ tiêu chí cụ thể. Sau khi đã tham khảo các tiêu chí châu Âu, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã đưa ra một hệ thống các tiêu chí đánh giá sách giáo khoa, được đưa ra lần đầu tiên năm 2005. “Để đánh giá SGK thì không thể tùy tiện. Cụ thể: Về tính khoa học, nội dung chọn lựa kiến thức thỏa mãn một số tiêu chí nào đó; Về tính sư phạm: vẫn tri thức ấy của nhân loại nhưng phải viết làm sao để phù hợp với lứa tuổi, đối tượng từ bình diện tâm lý đến nhận thức; về cấu trúc, tác giả biên soạn phải chọn cách trình bày như thế nào bảo đảm tính khoa học và sư phạm; Về tính thẩm mỹ: phải phân bổ, trình bày chữ và hình để tạo hứng thú cho học trò, thậm chí phải “bắt mắt” để bán cho người mua”.

Giải thích thêm về dư luận cho rằng, việc biên soạn sách giáo khoa của chúng ta đã làm ngược quy trình, đó là viết sách rồi mới hợp thức “chương trình”, TS Trần Kiều cho rằng, đây là sự hiểu nhầm. Chương trình chuẩn bao giờ cũng phải xây dựng trước, sau đó mới đến công đoạn biên soạn sách. Trên thực tế, không tác giả nào lại nhận viết sách nếu không có chương trình.

HỌC NHIỀU ĐIỀU VÔ BỔ

Dù chuẩn chương trình đã được cụ thể hóa như trên, quy trình soạn sách đã rõ nhưng hầu hết các ý kiến của đại biểu đều mạnh mẽ chỉ rõ sách giáo khoa hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là nội dung không phù hợp với thực tế. Làm nóng cuộc tọa đàm với sự thẳng thắn “quy tội” những người làm chương trình không có tư duy đổi mới, Giáo sư Hồ Ngọc Đại ví von: “Trước các “ông” làm quả bom 50kg giờ làm bom năm tấn, nhưng vẫn là quả bom thường, thực chất khác về cường độ, song còn vẫn sử dụng nguyên lý cũ vì không dám nghĩ đến một “quả bom” nào khác. Nói đổi mới căn bản toàn diện nhưng sách giáo khoa không có đổi mới gì”.

Với sự thận trọng của một nhà khoa học và tâm tư của một tác giả tham gia đầy đủ các lần biên soạn sách giáo khoa, PGS, TS Văn Như Cương thừa nhận một số nội dung sách giáo khoa hiện nay vô bổ, không cần thiết và nhất thiết phải loại bớt. “Tất cả các nhà khoa học, các đại biểu ngồi đây chắc ai cũng thừa nhận môn Toán bắt học sinh học tích phân, vi phân, phương trình lượng giác, đạo hàm, số phức… là vô bổ, kiến thức đó không để làm gì vì không có tính ứng dụng. Chúng ta đang bắt học sinh học những điều nặng quá. Trong khi đó, những tính toán thiết thực hơn như tính toán kinh tế trong gia đình, lương bố mẹ bao nhiêu, gửi tiết kiệm lãi suất thường, lãi suất đơn, lãi suất kép, chi tiêu trong gia đình ra sao... một học sinh bình thường ở các nước làm được, còn ở ta, ngay cả người lớn, nhà toán học cũng không tính được chứ nói gì học sinh”- PGS, TS Văn Như Cương nhận xét.

Cùng suy nghĩ đó, GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, nội dung chương trình môn sinh học còn bất cập, dù ông là người biên soạn. GS dẫn chứng, ông đã dày công mua 75 cuốn sinh học của các nước và thấy sách của nước mình chẳng giống ai. “Chương trình sinh học phổ thông gồm tất cả các môn của Đại học sư phạm và ép chỉ học một tiếng rưỡi mỗi tuần là không khoa học”. NGƯT Ngô Trần Ái cũng chỉ ra bất cập khi giảm tải nhưng chương trình vẫn thừa. “Tôi lấy thí dụ, học thêu đan nên dạy cho lứa tuổi nào, dạy học trò bảy, tám tuổi là dạy cho trẻ cách lừa dối bởi vì toàn nhờ, thuê những người lớn làm. Hay có nội dung đã học ở lớp này rồi vẫn học lại ở lớp khác, đơn vị trong vật lý dùng không thống nhất khiến người học thấy lúng túng”. PGS,TS Nguyễn Hữu Chí nhận định, đổi mới giáo dục hiện còn chắp vá, bị động, đối phó và thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu giải pháp đồng bộ và không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Sách giáo khoa quá tải rơi vào những phần không cần thiết, còn phần phát triển năng lực của người học thì lại rất “non”. “Nói chính xác là chúng ta đang học lệch chứ không phải quá tải. Chúng ta quá coi trọng kiến thức, cứ nghĩ càng nhiều kiến thức thì chất lượng càng cao nên có hiện tượng đua nhau cơi nới kiến thức để làm khó học sinh và phụ huynh, bắt học sinh phải đi học thêm từ lớp một. Tôi có thể nói sách giáo khoa hiện đang khủng khoảng về tư duy giáo dục”, ông Chí nhận xét.

Trước thực trạng sách quá tải nhưng vẫn thiếu kiến thức cho học sinh, hầu hết các đại biểu đều nhất trí cho rằng, đã đến lúc cần phải chấn chỉnh. “Bài toán cần thiết là ta cần rà soát bỏ cái vô bổ và tăng cường các môn học thiết thực có tính chất dạy người. Học kiến thức ở trường chưa đủ, phụ huynh lại phải đưa con tới những khóa rèn luyện kỹ năng mềm..., vô lý hết sức!”. -PGS, TS Văn Như Cương nhấn mạnh.

* Làm nóng cuộc tọa đàm với sự thẳng thắn “qui tội” những người làm chương trình không có tư duy đổi mới, Giáo sư Hồ Ngọc Đại ví von: “Trước các “ông” làm quả bom 50kg giờ làm bom năm tấn, nhưng thực chất vẫn là quả bom thường chỉ khác về cường độ, song còn vẫn sử dụng nguyên lý cũ vì không dám nghĩ đến một “quả bom” nào khác. Nói đổi mới căn bản toàn diện nhưng sách giáo khoa không có đổi mới gì”.