Tiếp tục di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Thủ đô Hà Nội

|

Ngày 9-10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch gồm: phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đi đầu trong phát triển GD-ĐT, KH-CN, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; phát huy các giá trị văn hóa cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo hệ thống đô thị vùng phát triển cân đối, bền vững, có mối liên kết chặt chẽ với khu vực nông thôn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; xử lý các vấn đề môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo an ninh nguồn nước...

Trong đó, về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế, Chính phủ xác định phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam theo hướng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, phía Tây, Quốc lộ 1 (Bắc Ninh - Hà Nội - Ninh Bình), hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ (từ Móng Cái - Quảng Ninh đến Kim Sơn - Ninh Bình), hành lang Quốc lộ 18 (Nội Bài - Hạ Long).

Đồng thời, tập trung phát triển chuỗi sản phẩm tổng hợp về du lịch văn hóa, lịch sử, tham quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng, giải trí biển, du lịch đô thị tại khu vực động lực du lịch Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình.

Về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đi đầu trong phát triển GD-ĐT, KH-CN, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, Chính phủ nêu rõ, hình thành và phát triển đồng bộ hệ thống GD-ĐT từ mầm non đến đại học theo hướng hiện đại, hội nhập, hiệu quả, công bằng, minh bạch; xây dựng vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm GD-ĐT chất lượng cao của quốc gia, khu vực và quốc tế.

Về phát huy các giá trị văn hóa cho phát triển kinh tế - xã hội, sẽ hình thành liên kết vùng kết nối các công trình di sản văn hóa, tâm linh dọc sông Hồng theo trục Thăng Long - Phố Hiến - Tam Chúc - Bái Đính - Chùa Hương, gắn với hạ tầng giao thông kết nối vùng Hà Nội - Hưng Yên - Hà Nam - Ninh Bình.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các đô thị hai bên bờ sông Hồng và các sông lớn trong vùng, đáp ứng yêu cầu thoát lũ, phòng, chống thiên tai, khai thác, sử dụng hiệu quả không gian, quỹ đất; phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi đô thị, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa.

Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Thủ đô Hà Nội; có chính sách đủ mạnh đảm bảo đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở trong khu công nghiệp cho người lao động và xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là cho công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp...