Tiêu chuẩn cộng đồng chưa đồng nhất với pháp luật sở tại?
Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đều công bố Tiêu chuẩn cộng đồng của mình và người dùng phải tuân thủ các quy định, nếu không muốn nội dung sản xuất sẽ bị báo cáo, gỡ bỏ và mạnh nhất là xóa bỏ các kênh, tài khoản vĩnh viễn. Dù vậy bất cập tồn tại là các Tiêu chuẩn cộng đồng trong nhiều trường hợp không tương thích với các quy định của luật pháp Việt Nam. Dù các cơ quan chức năng Việt Nam đã làm việc, phối hợp với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới và đạt được nhiều thỏa thuận, nhưng vẫn còn những khoảng trống cần được lấp đầy do quan niệm về văn hóa, lối sống, quan điểm chính trị... có sự khác biệt. Khoảng trống này đang hứa hẹn được thu hẹp tối đa từ chính sự thấu hiểu giữa đôi bên, trên cơ sở tôn trọng pháp luật Việt Nam, văn hóa Việt Nam, phong tục tập quán của Việt Nam cũng như Tiêu chuẩn cộng đồng của chính người dùng mạng xã hội Việt Nam.
Một trong những trở ngại làm khó tiến trình quản lý các kênh chia sẻ video trên internet chính là việc định lượng hành vi vi phạm. Sự tẩy chay, lên án của cộng đồng có thể diễn ra với các video, các YouTuber, Vlogger được coi là sản xuất nội dung phản cảm, nhưng khi xử lý pháp luật thì phải định lượng rõ các yếu tố phản cảm để tránh cảm tính. Quy định pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng luôn được thay đổi, cập nhật theo diễn tiến nhanh đến chóng mặt của công nghệ và đời sống, các hành vi vi phạm đã được định nghĩa, giải thích rõ ràng cụ thể hơn, dù vậy khi áp dụng vào một số trường hợp cụ thể vẫn còn bộc lộ những lúng túng, thiếu chặt chẽ...
Tăng chế tài xử phạt?
Mức xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm trên không gian mạng hiện còn nương tay, theo suy nghĩ của người dân. Tuy nhiên, bà Đỗ Thu Trang, Công ty Luật TNHH Teklaw giải thích rằng: xử lý vi phạm hành chính quy định rõ, một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Trong trường hợp cụ thể, chủ kênh Hưng Vlog vi phạm lần hai (tái phạm) vẫn chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu tiếp tục tái phạm lần ba có nhiều khả năng chủ kênh sẽ bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, hiện tại xét thấy mức độ vi phạm của chủ kênh cũng chưa đến mức có thể xử lý hình sự, cho nên các cơ quan chức năng cũng không có căn cứ để xử lý hình sự trong sự việc cụ thể đó. Dư luận xã hội thì luôn bức xúc, luôn mong muốn sự việc được cơ quan chức năng xử lý triệt để, trong khi thực thi theo quy định của pháp luật, được pháp luật cho phép là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Vượt ra ngoài khuôn khổ là lạm quyền...
Thực tế, nhiều chủ kênh đã lợi dụng chính sách cởi mở của các nền tảng Google hay Facebook, YouTube, Tik Tok để thực hiện các chiêu trò tăng tương tác. Cố tình diễn đạt, bình luận ngô nghê, thậm chí sai, tạo sự phẫn nộ cho người xem cũng là một cách. Theo quy định của YouTube, điều kiện bắt buộc để được nhà cung cấp bật nút kiếm tiền là mỗi kênh phải đạt 1.000 người đăng ký trở lên và 4.000 giờ xem trong 12 tháng. Để đạt được tiêu chí đó, nhiều chủ kênh đã xoáy sâu vào yếu tố kích thích sự tò mò đối với trẻ nhỏ, khiến chúng không làm chủ được hành vi, gây nên những tác động xấu cho xã hội. Hiện nay, các nền tảng cung cấp dịch vụ không quá quan tâm đến việc chủ kênh làm gì để thu hút người xem, miễn không vi phạm chính sách, quy định của họ và địa phương thì kênh đó dù nội dung như thế nào vẫn có thể tồn tại. Chính cơ chế lỏng lẻo, còn tồn tại nhiều kẽ hở của nhà cung cấp dịch vụ đã bị các chủ kênh lợi dụng.
Bà Đỗ Thu Trang cho biết, chế tài đã có, những hành vi vi phạm pháp luật của những người làm kênh YouTube cần phải được các cơ quan chức năng phát hiện sớm, xử lý nghiêm để tạo tính răn đe trong xã hội. Ngoài việc kiểm tra, xử phạt nghiêm minh để ngăn chặn tình trạng làm kênh YouTube nhảm nhí, dung tục, cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để những người sản xuất nội dung kênh YouTube hiểu, nâng cao trách nhiệm xã hội, sáng tạo những clip có ích cho xã hội. Đồng thời, mỗi cá nhân và cả cộng đồng phải kiên quyết tẩy chay những kênh YouTube có nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật... "Từ ngày 15-4-2020 các hành vi làm phát tán, chia sẻ nội dung không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 của Điều 101 Nghị định 15/2020. Cụ thể, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau đây: Thứ nhất, cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Thứ hai, hành vi cung cấp chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô đồi trụy. Thứ ba, cung cấp và chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn kinh dị, rùng rợn. Thứ tư, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực". Ngoài quy định về xử phạt hành chính, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng có quy định về các tội phạm trên không gian mạng. Cụ thể, Điều 288 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông...
Hành lang pháp lý về vấn đề đưa thông tin lên mạng xã hội thể hiện trên luật rất rõ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần nhìn nhận rõ trước một sự việc, cần quy trách nhiệm đúng người đúng việc, cần có sự vào cuộc rất quyết liệt của các cơ quan chức năng và cả sự am hiểu pháp luật của chính mỗi người dân. Xét về mức độ vi phạm, có thể xem xét, bên cạnh xử phạt hành chính cần truy cứu thêm trách nhiệm hình sự trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm...
Tăng sức đề kháng là cách bảo vệ an toàn nhất
Theo số liệu YouTube cung cấp, Việt Nam là một trong những quốc gia phát tán nhiều nội dung xấu độc hơn so với các thị trường khác. Với làn sóng phản đối từ phía người dân và chính quyền Việt Nam, Google, YouTube, Facebook đã có động thái gỡ bỏ một số nội dung xấu độc trên nền tảng của họ. Riêng trong quý II năm ngoái, hơn 222 nghìn video clip đã bị gỡ bỏ. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều người, việc làm này như muối bỏ biển, bởi mỗi ngày, các video clip nội dung không kiểm soát vẫn không ngừng tung ra với một số lượng khó bề kiểm soát.
Xét cho cùng, thái độ đúng mực, nghiêm túc của chủ kênh và thái độ tiếp nhận, phản ứng lành mạnh của công chúng vẫn là các yếu tố quyết định môi trường an toàn trên không gian mạng. Trước khi nhấn nút đăng ký tạo video trên nền tảng YouTube, chủ thể xác định đó là quyền cá nhân, tuy nhiên nó không thể nằm ngoài khuôn khổ đạo đức, pháp luật văn hóa nơi chủ thể đang sống. Ý thức trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm đóng góp với xã hội thể hiện ở hành vi bảo vệ chính mình, bảo vệ người thân trước sự xâm lấn của cái xấu xí, thậm chí bị nhiễm độc. Và cũng đừng quên, mỗi người sử dụng được trang bị "quyền năng" sử dụng nút report (tính năng báo cáo) đến nhà cung cấp dịch vụ để bảo đảm không gian mạng lành mạnh, an toàn cho cộng đồng.