Một thế kỷ và... nửa giấc mơ!

|

Đưa tà áo dài Việt Nam trở thành “Di sản văn hóa của nhân loại” là giấc mơ mà chúng ta đã đi được nửa chặng đường, khi hội tụ đủ sự khao khát cùng quyết tâm từng ấp ủ. Nhưng nửa còn lại đang nằm ở phía trước, với một lộ trình không hề đơn giản.

Cần nhắc lại, trong năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đi tới sự thống nhất về việc cần làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Áo dài là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nói cách khác, sau gần một thế kỷ kể từ khi ra đời vào thập niên 1930, áo dài Việt Nam đang được kỳ vọng để “vượt ngưỡng” và được cả thế giới tôn vinh.

Một thế kỷ thăng trầm

Khá đặc biệt, sự thăng trầm và những đợt cách tân của tà áo dài cũng gắn liền với những giai đoạn đặc thù trong lịch sử Việt Nam.

Cụ thể, dù được cho là bắt nguồn từ tà áo dài tứ thân của phụ nữ Bắc Bộ xưa hoặc tà áo ngũ thân thời Chúa Nguyễn, cột mốc đánh dấu sự ra đời của áo dài vẫn là thập niên 1930 - thời điểm văn hóa phương Tây hiện đại bắt đầu du nhập và bén rễ tại Việt Nam kèm theo những thay đổi trong quan niệm thẩm mỹ về vẻ đẹp của người phụ nữ.

Bởi vậy, tháng 3-1934, khi những mẫu áo dài hiện đại đầu tiên của Cát Tường được công bố, họa sĩ này (lúc đó đang là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) đã đưa ra những biện giải rất tiến bộ. Phản đối quan niệm cũ - vốn xem áo quần chỉ thuần túy che thân mà không chú trọng đến thẩm mỹ, đồng thời mang định kiến muốn phụ nữ che giấu vòng một của mình, mẫu áo mới đã có những cách tân táo bạo nhằm phân biệt vòng ngực và eo, tôn lên vòng ba, tạo dáng mềm mại... Để rồi, với phần bổ sung từ họa sĩ tiếp theo, áo dài sớm trở thành thứ trang phục được các bà các cô hãnh diện khoác lên người và bước ra đường, mở ra một phong trào đổi mới y phục phụ nữ có quy mô sâu rộng nhất Việt Nam.

Tiếp đó, sau cột mốc 1954, tại miền nam, trang phục này lại có một đợt cách tân rất mạnh vào cuối thập niên 1960. Như phân tích của nhiều chuyên gia, tại Sài Gòn khi đó, đi cùng với văn hóa, lối sống Mỹ là thời trang Mỹ với sự lên ngôi của quần Jeans, quần ống loe và các trào lưu mới mẻ. Trong bối cảnh ấy, một cách tự nhiên, văn hóa Sài Gòn đã phát huy hết nội lực tự thân của mình để vừa tiếp thu những yếu tố tích cực của thời trang hiện đại, vừa có những sáng tạo như một liều kháng thể trước những dòng văn hóa ngoại lai đi ngược lại truyền thống. Các cải cách về kiểu, dáng, cách tạo hình đã dẫn tới sự ra đời của những áo dài Trần Lệ Xuân, áo dài Raglan, áo dài hippy... và đóng góp nền tảng cho sự hoàn thiện của áo dài sau này.

Đợt cách tân thứ ba được mở ra vào thập niên 1990, trong bối cảnh hội nhập và quốc tế hóa với những chuyển biến đáng kể. Từng bước được giới thiệu trong những chương trình văn hóa mang yếu tố quốc tế tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài, nhiều nhà thiết kế như Ngân An, Minh Hạnh, Sĩ Hoàng... đã dành nhiều nghiên cứu để kết hợp trang phục này với các họa tiết và hoa văn từ kho tàng văn hóa dân tộc Việt. Từ đó, áo dài cũng dần được trình diễn với quy mô hoành tráng và phong phú, vượt khỏi tính chất của những chương trình thời trang hay nghệ thuật thông thường để trở thành một biểu trưng cho lịch sử văn hóa, nhân sinh quan và tinh thần Việt Nam.

Và như thế, khi bước sang thế kỷ 21, khi truyền thống và bản sắc của mỗi quốc gia luôn được đề cao trong một kỷ nguyên của thế giới phẳng, việc áo dài được quốc tế công nhận là di sản văn hóa Việt Nam một cách “chính danh” đang được đặt ra một cách cấp bách. Nhất là khi, trong một số trường hợp, chúng ta đã phát hiện việc áo dài bị sử dụng sai truyền thống, hoặc bị gán cho những xuất xứ khác tại một số bảo tàng hoặc sàn diễn thời trang trên thế giới.

 

Di sản vật thể hay phi vật thể?

Nhưng, trong những cuộc hội thảo được tổ chức thời gian gần đây, nhiều phân tích cho thấy: so với những di sản của Việt Nam từng được UNESCO vinh danh, áo dài là một “ca khó” đặc biệt của chúng ta, khi hòa chung vào lộ trình này.

Cụ thể, theo những quy định hiện có, đơn vị thực hiện thủ tục đăng ký xây dựng hồ sơ trình UNESCO xét duyệt danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại phải là chính quyền của một địa phương cụ thể. Do vậy, việc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đứng ra vận động thực hiện điều này là chưa đủ hợp lý. Bên cạnh đó, mỗi di sản trình lên UNESCO cần nằm trong danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia - điều hiện vẫn chưa được thực hiện với áo dài.

Nếu hai vướng mắc này ít nhiều chỉ dừng ở góc độ thủ tục pháp lý thì khó khăn đặc biệt nhất vẫn nằm ở bản chất của di sản áo dài - khi mà nó đang hiện hữu trước cộng đồng ở dạng một vật thể, nhưng lại cần được lập hồ sơ để được công nhận là một di sản phi vật thể. Nói cách khác, chúng ta phải xác lập được những hệ giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt, cũng như một đời sống riêng quanh những chiếc áo dài “cụ thể” này. Theo định nghĩa hiện có của công ước 2003, Di sản Văn hóa phi vật thể phải bao gồm các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng. Do vậy, những di sản là vật thể như tranh dân gian, đồ gốm, vải, hàng thủ công... thì cần được xác lập hướng tiếp cận liên quan, với tên gọi gợi mở về tập quán, nghệ thuật, văn hóa. Thí dụ, với áo dài, hồ sơ phải có những cái tên như “Tập quán mặc áo dài của Việt Nam” hay “Trang phục áo dài Việt Nam - tập quán, bản sắc và biểu tượng văn hóa”.

Thực tế, sự lúng túng trong lựa chọn cách tiếp cận khía cạnh phi vật thể của áo dài đã khiến chúng ta chưa xác định được một tên gọi cụ thể và chính xác cho di sản phi vật thể này. Để rồi, trong thời gian qua, truyền thông vẫn tạm sử dụng khái niệm “di sản áo dài” và dễ dẫn tới cách hiểu lầm rằng Việt Nam đang muốn tôn vinh một di sản vật thể.

Muốn giải bài toán ấy, hồ sơ của Việt Nam cần khảo sát và tìm hiểu sự liên hệ giữa những người đã và đang khoác trên mình chiếc áo dài với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nơi áo dài được hình thành, duy trì, chuyển giao và liên tục phát triển để trở thành trang phục truyền thống. Đó là điều không dễ, khi mà trong nhiều năm qua, chúng ta vẫn nhìn về mỹ tục mặc áo dài trong văn hóa Việt bằng sự xúc động mang đậm màu sắc cảm tính, nhưng lại thiếu đi những nghiên cứu, khảo sát đủ hệ thống và khoa học để hiểu thêm, hiểu kỹ lưỡng về thứ trang phục độc đáo này.

Như thế, song song với chặng đường đưa áo dài đến với danh hiệu Di sản thế giới, chúng ta cũng cần tự triển khai một chặng đường khác và không kém phần phức tạp: Nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của cộng đồng về áo dài, để trang phục được ứng xử như một di sản văn hóa theo đúng nghĩa.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia đã cho rằng Việt Nam nên học hỏi và nghiên cứu trường hợp trang phục Batik của Indonesia (đã được UNESCO vinh danh năm 2009). Dù được vinh danh dưới góc độ kỹ thuật nhuộm truyền thống, loại trang phục này vẫn “ghi điểm” bởi gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh và tinh thần của toàn bộ vòng đời mỗi người dân Indonesia để tạo nên bản sắc của họ thông qua những ý nghĩa biểu tượng của mầu sắc, của thiết kế hoa văn, kiểu dáng và tập quán sử dụng sản phẩm.