Nhiều ngành mới, nhiều xu hướng mới
Kỳ thi tuyển sinh năm 2011, các trường có xu hướng mở thêm nhiều ngành học mới mang tính cụ thể và chuyên sâu hơn. Trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh ngành tiếng Nhật. Bên cạnh đó, ngành Sư phạm tâm lý giáo dục sẽ được tách thành hai ngành học riêng biệt là Sư phạm giáo dục học và Sư phạm tâm lý học giáo dục. Ðây cũng là một trong số các trường đang hướng chuyển đổi ngành kỹ thuật nữ công sang Nhà hàng - du lịch - khách sạn. Nhiều trường mở thêm hoặc tách ra từ những ngành học chung thành những ngành nhỏ mang tính chuyên biệt. Xu hướng năm nay các lĩnh vực công nghệ thực phẩm, thuế, điều dưỡng... thu hút nhiều thí sinh lựa chọn. Trường đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh năm nay bắt đầu tuyển nữ vào nhóm ngành Ðiều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu thủy cho cả hệ đại học và cao đẳng trong khi trước đây ngành học này chỉ tuyển nam.
Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp từ nhu cầu tuyển dụng của hơn 6.000 doanh nghiệp cho thấy những ngành vẫn đang 'khát' nhân lực là cơ khí, điện tử, dệt may, ngân hàng, kế toán, trang trí nội thất, xây dựng, kiến trúc, marketing (tiếp thị). Nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động, những ngành học này được nhiều thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi.
Chọn cái xã hội cần hay cái cá nhân thích ?
Hiện tại, vẫn còn những bất cập trong mối tương quan giữa đào tạo và tuyển dụng nhân lực. Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, năm 2010, ngành có số lượng thí sinh đang theo học nhiều nhất là kế toán - kiểm toán chiếm xấp xỉ 33% trong khi nhu cầu tuyển dụng là 3,25%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 19,08% trong khi đó, nguồn cung chiếm tới 53,20%. Ngược lại, số người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề chỉ có 19,41%, trong khi nhu cầu tuyển dụng là 24,5%.
Tại Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới của các trường đại học cao đẳng đến 2006-2020, mục tiêu điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đến năm 2020 đối với ngành khoa học cơ bản 9%, sư phạm 12%, công nghệ kỹ thuật 35%, y tế 6%, kinh tế 20%. Những ngành 'khó nhằn' sẽ tiếp tục được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước để thu hút người học.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng mùa tuyển sinh năm ngoái chiếm đến một nửa số hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi. Dự báo năm nay, đây vẫn là nhóm ngành hấp dẫn đối với thí sinh, mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực đối với nhóm ngành này hiện nay không còn nhiều.
Hiện nay, vẫn có những quan niệm sai lầm xuất phát từ phía phụ huynh, và cả không ít thí sinh về việc chọn trường, chọn ngành, đó là sự lựa chọn không xuất phát từ sở trường của cá nhân mà theo xu thế của xã hội. Với mặc định, học ngành kinh tế thì dễ xin việc, thu nhập cao, cho nên dù người học không thích, phụ huynh vẫn cố ép con theo hướng đó.
Tiến sĩ Tâm lý học Trịnh Thị Linh, khoa Tâm lý, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết, không chỉ học sinh, mà còn có nhiều phụ huynh tìm đến bà tìm lời khuyên gỡ rối trong việc lựa chọn ngành học. Theo quan niệm của bà thì cha mẹ cần định hướng cho con cái nhưng cũng cần tôn trọng các quyết định của con trong việc lựa chọn ngành nghề. Hơn thế, họ cần sẵn sàng để chấp nhận rủi ro cùng con.
Công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông cần được triển khai tích cực hơn để thí sinh trước khi đăng ký thi hiểu được những mặt tích cực cũng như khó khăn để chấp nhận đương đầu. Bên cạnh ý thích nhiều khi chỉ là cảm tính, thí sinh cần có những bước tìm hiểu kỹ càng, cân nhắc, tính toán đến năng lực thích ứng của cá nhân với nhóm ngành lựa chọn.
Các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp luôn khuyên thí sinh, những ý kiến chỉ mang tính tham khảo. Quyết định cuối cùng vẫn là bản thân mỗi thí sinh. Và tiêu chí trên hết, chọn ngành dựa trên năng lực thật sự của mỗi thí sinh hơn trên cơ sở phù hợp với xu thế xã hội.