Ngôi nhà dài phục dựng và rẫy lúa cuối cùng

|

Tôi đứng giữa rẫy lúa của bà Ka Dít, nhìn về buôn B’Đăng thấp thoáng dưới dốc. Trong tầm mắt, nằm chênh chếch mép buôn, ngôi nhà dài duy nhất lợp lá mây rừng mà ngành văn hóa Lâm Đồng phục dựng với mục đích giữ lại một hình ảnh kiến trúc truyền thống của cư dân Mạ từ nền cũ của gia đình ông K’Rèn, như một thực thể cô đơn giữa không gian hiện đại...

Trưa đứng bóng, bà Ka Dít, cô Ka Hương và mấy đứa con cháu cùng chúng tôi lên thăm rẫy lúa, mảnh lúa rẫy cuối cùng giữa vùng đất người Mạ. Cái nắng mầu mật ong xuyên qua những tán lá rừng, những vườn cà-phê, những vạt lúa cao ngang mặt người làm cho bức tranh núi rừng Lộc Bắc như tươi sắc hơn. Người trẻ, người già chuyện trò rôm rả, đàn chim ri liệng thấp lích chích gọi nhau, gió lùa sóng lúa xào xạc... tạo nên một dàn âm thanh sinh động. Những người đàn bà Mạ chân đất, đầu trần bước đi giữa rẫy lúa nhún nhảy vỗ tay đuổi chim khi những hạt ngọc của Yàng đang cuối kỳ mẩy hạt. Họ chuyện trò với lúa, còn tôi thì ngẩn ngơ ngắm họ và suy ngẫm về không gian văn hóa rừng đang đối diện với nguy cơ phai nhạt. Tôi cảm nhận tình yêu của những người phụ nữ Mạ với cây lúa từ bàn tay nâng niu, từ ánh mắt đắm đuối với ngọn, với bông. Không biết họ gắn bó với những cây công nghiệp mới du nhập ra sao còn giờ đây giữa rẫy nương này, sự giao cảm máu thịt của người Mạ với cây lúa là điều mà tôi cảm nhận rất rõ ràng.

Già làng K’Diệp, bà chủ rẫy Ka Dít và cô cháu gái Ka Hương của bà có cùng chung tâm cảm với tôi? Còn tôi, khách lãng du qua miền đất người Mạ hôm nay, vẫn có chút gì đó luyến tiếc đến nao lòng. Chắc là tôi bị ám thị với hình ảnh “rẫy lúa cuối cùng”, gợi nhớ đến cảm xúc chứng kiến một điều quý giá sắp mất đi vĩnh viễn. Tôi không trải qua cùng cư dân Mạ trong những ngày lên rừng tìm đất tốt vỡ rẫy. Tôi không được cùng họ cắm cây tre vót nhọn chọc lỗ, tra hạt và càng không được là đứa trẻ rừng để đạp chân lên cuống rạ trong buổi chiều đuổi trâu vang lục lạc về buôn. Tôi chỉ là khách trong một đôi lần được sẻ chia niềm vui cùng họ trong ngày đón hạt lúa từ rẫy về nhà. Nhưng chỉ cần tưởng tượng về điều đó, hồn tôi như nhập cùng ký ức của những người con xứ rừng. Tôi sẽ nhớ về rẫy lúa cuối cùng này như người Mạ rồi sẽ phải tiếc nuối một hình ảnh đã sống sâu tâm thức...

Thử hỏi, với người bản địa Tây Nguyên xưa, trong sản xuất nông nghiệp, có thứ gì quý hơn cây lúa. Khi chưa có những loài cây công nghiệp du nhập vào lãnh địa của “những người ăn rừng”, cây lúa hiện hữu từ trong đời sống mỗi ngày, trong những giấc mơ phiêu bồng và thiêng liêng ngự trị giữa cõi thần linh. Cây lúa, hạt gạo nuôi sống con người, con người yêu quý lúa gạo và luôn khao khát ấm no nên tôn vinh một vị thần riêng của lúa để có chốn nương cầu. Chuỗi nghi lễ nông nghiệp hình thành từ xã hội cổ sơ, chuỗi nghi lễ ấy dành cho vòng đời sinh trưởng của cây lúa. Như cộng đồng người Mạ, trong hệ sinh thái liên quan đến chu trình cây lúa: tìm đất, phát rừng, đốt rẫy, khai vỡ, gieo hạt, làm cỏ, chăm sóc, đón lúa về nhà đều diễn ra những nghi lễ tương ứng: Nhô năngbri, Nhô sadingbar, Nhô tăm snum, Nhô kèp, Nhô dồng... Đặc biệt, lễ hội Nhô rhe - mừng lúa về kho, một lễ hội lớn nhất trong năm với hàng loạt các lễ thức và thực hành văn hóa dân gian. Sống ở Tây Nguyên, tôi đã đi qua biết bao buôn làng trong mùa lúa chín và được nghe văng vẳng lời khấn của các vị tộc trưởng: “Ơi Yàng, tôi mời Yàng về ăn uống mừng lúa mới. Yàng về ăn, về uống, giúp cho ăn mãi lúa vẫn còn, hốt ra khỏi kho vẫn không hết được”...

Giọng có chút bùi ngùi, bà Ka Dít gửi tôi lời mời tháng tới về vui lễ Nhô rhe với gia đình bà. Tôi biết, ngày đó vẫn sẽ có cây nêu, rượu cần, vẫn sẽ có lời khấn Yàng linh thiêng và nhịp chiêng droòng nổi lên trước bếp lửa sân nhà. Nhưng ngày lễ ấy liệu còn đúng bản chất của văn hóa nương rẫy hay không, còn đúng nghĩa là ngày hội chia sẻ của cộng đồng khi cả xứ Mạ bây giờ chỉ còn duy nhất bà Ka Dít là vẫn giữ tình với lúa, một rẫy lúa nhỏ nhoi cuối cùng giữa xứ Mạ nghìn xưa.

* * *

Tôi ngồi đây, trong ngôi nhà dài cuối cùng trên vùng đất người Mạ. Chỉ là ngôi nhà dài phục dựng nhưng dù sao nó cũng còn đôi phần sức sống vì gia đình bà Ka Dít vẫn ở trong đó. Tôi ngắm từng chi tiết kiến trúc và bài trí: này bàn thờ, này bếp, này sàn ngủ, này cầu thang, này chóe, này chiêng. Các cán bộ văn hóa đã rất cẩn trọng trong việc thực hiện thiết kế và thi công, mô phỏng hết sức tinh tế ngôi nhà dài truyền thống. Để có được ngôi nhà, hơn mười năm trước, Ngọc Lý Hiển, một cán bộ văn hóa đã về xứ Mạ, làm con nuôi của ông K’Rèn và sống với Lộc Bắc cả mấy mùa rẫy. Anh đã cùng đồng bào lên rừng chặt cây, chọn mây, cắt lá và thao thức hằng tháng ròng rã để làm sao cho quá trình phục dựng giống nhà dài truyền thống đến từng chi tiết.

Hôm nay ngồi giữa ngôi nhà phục dựng mà tôi lại nhớ cái lần về với xứ Mạ này hơn hai mươi năm trước. Ngày đó, trưa đứng bóng, từ đỉnh dốc tôi ngước mắt nhìn về thung lũng và thảng thốt nhận ra cảnh tượng rất lạ, đó là một buôn làng với những ngôi nhà dài. Những ngôi nhà “dài như tiếng chiêng” - mô tả trong trường ca Đam San, nép tựa vào nhau như những bức tường thành uốn lượn bên rừng già nắng gió. Rất bình dị mà gợi lên xúc cảm. Trước mỗi cầu thang là những cụ ông ngồi suy tư với tẩu thuốc trên tay. Sân khác, những người đàn bà cụp cum giã gạo. Những chàng trai mang khèn M’bướt ra lau. Các cô gái từ bến tắm về, vừa bước khoan thai lên bảy bậc cầu thang vừa giũ mái tóc chảy tràn như suối. Trẻ em hồn nhiên trò chơi rừng núi. Người già K’Noi kể, ngày xưa cả buôn hàng trăm người chỉ có dăm, bảy nhà dài thôi, mỗi nhà có khi là cả một đại gia đình, thậm chí là cả dòng họ lên tới hàng trăm người cùng ở. Trong căn nhà có thể có tới cả chục cái bếp, tức là cả chục tiểu gia đình sinh sống. Tôi ngẫm, kiến trúc nhà dài là một phản xạ tự nhiên với môi trường sống. Kiểu cư trú đó là một hình thức tự vệ khi khởi thủy cư dân rừng phải chống chọi với thiên tai, thú dữ, những cuộc chiến tranh bộ tộc, họ cần phải cấu kết đông đúc, mạnh mẽ để sinh tồn...

Trong khi tôi còn mải ngắm nghía ngôi nhà thì bà Ka Dít đã kịp mang ra đặt giữa sàn chóe rượu cần thơm nức mùi hương lúa mẹ. Bà hút sâu cang rượu, rẩy những giọt đầu tiên với lời khấn Yàng. Câu chuyện cũng nở dần ra khi men rừng lâng lâng. Bà hàng xóm Ka Hường mới uống vài cang mà đã hứng khởi cất lên giai điệu N’rí: “Yàng pơcih tơ jơng lòt brơi. Yàng pơcih tờtơi lơh kòi. Yàng pơcih tờ yòi hỏi Yàng... Mi at gỡ ui jơng. Mi kơđơng gỡ ui tơi. Mi kơlơi gỡ nuih tồr...” (Yàng ghi ở bàn chân để con đi rừng. Yàng ghi ở bàn tay để con trồng lúa. Yàng ghi ở bờ môi để con ơn Yàng... Con cầm kỹ tấm choàng chân. Con vịn kỹ tấm choàng tay. Con giữ kỹ nếp nghĩ tấm lòng...). Có gì nao nao như những dòng hồi ức đầy tiếc nuối về một thuở cao nguyên trong những lời ca ấy mà gợi cho Chủ tịch xã K’Tư thêm những tâm sự. Vít cong cần rượu hút cạn hơi dài, ký ức ngây thơ trở về trong đáy mắt anh. Đó là những sáng vào rừng hái măng, tìm mật, những chiều lên rẫy suốt lúa, bẫy chim, những tối đốt đuốc bắt cá suối, cua núi. Những đêm cúng đất, cúng rừng. Làng buôn rộn ràng chiêng năm, chiêng ba và lời hát Lảh lông, Tầm pớt. K’Tư chưa quên ngày đầu đón người con gái buôn bên về ngôi nhà dài của mình làm vợ, anh đã hát lời yêu bên bếp lửa mới ngăn: “Em là chim N’tợp núp dưới cọng khoai môn. Đến làm người của anh mãi mãi. Em là con chim ngoài rẫy. Về ở với anh suốt đời...”.

* * *

Rời xứ Mạ khi màn đêm vừa phủ lên những cánh rừng. Từ đỉnh dốc, tôi ngước mắt ngược về những buôn làng phía sau mà liên tưởng những năm tháng nơi này đã lùi sâu ký ức. Tôi khắc ghi vào tâm cảm của mình hình ảnh ngôi nhà dài phục dựng lẻ loi và rẫy lúa cô đơn. Không biết cư dân Mạ nuối tiếc những ngôi nhà dài truyền thống và những rẫy lúa xứ sở ra sao, còn tôi thì ngẩn ngơ như vừa bị mất đi một cái gì đó vô cùng quý giá. Hôm nay đây tôi ngược nguồn đi tìm ký ức những bếp lửa nhà dài, hít căng lồng ngực giữa rẫy lúa cuối cùng như tìm về nét đẹp dần trôi vào dĩ vãng của một tộc người cư trú ngàn đời giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Tác giả trò chuyện với phụ nữ Mạ trước cầu thang nhà dài.