Đổi mới tư duy là đòi hỏi quan trọng nhất

|

Đông đảo nghệ sĩ biểu diễn đều mong chờ sự ra đời của Nghị định về chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ mà Bộ VHTTDL giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì triển khai xây dựng và hoàn thiện. Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết đã được chuyên gia - người quản lý đơn vị nghệ thuật cùng nghệ sĩ gửi gắm, với mong muốn đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn sẽ có được điểm tựa chắc chắn để yên tâm sáng tạo, cống hiến cho sự phát triển của đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà.

TS Trần Thị Minh Thu, Ban Nghiên cứu Nghệ thuật (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam):

“Không thể đánh đồng nghệ thuật như mọi ngành nghề khác trong xã hội”

Căn cứ vào báo cáo rà soát của Vụ Pháp chế tổng hợp cùng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) thì hiện tại có bảy nội dung chính cần nhanh chóng tháo gỡ và có những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế. Theo tôi, chúng được gói gọn trong sáu nhóm vấn đề như sau:

Một là, mức lương và chế độ bồi dưỡng không phù hợp, rất thấp, không bảo đảm đời sống. Mức lương được áp dụng cào bằng, tài năng hay không thì cũng nhận cùng một mức như nhau nên dễ gây tâm lý bất mãn, người cống hiến tận tâm phải cõng người chẳng làm gì. Chế độ bồi dưỡng biểu diễn căn cứ theo Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2015 quy định nguồn kinh phí bồi dưỡng lấy từ nguồn thu biểu diễn khó thực hiện vì hầu hết các đoàn, nhà hát có doanh thu thấp, ít khán giả. Ngoài ra, Thông tư số 10/2022/TT-Bộ VHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành NTBD và điện ảnh với ba mức phân hạng diễn viên; tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng để thăng hạng đều đánh đồng như công chức các ngành nghề khác.

Đó là cách tiếp cận hành chính hóa, không hợp lý với hoàn cảnh thực tiễn. Hai là, quy định tuổi nghỉ hưu, tinh giản biên chế cùng chế độ hợp đồng cho nghệ sĩ trẻ. Kinh nghiệm cho thấy, nghệ sĩ dưới 25 là độ tuổi đỉnh cao về thanh, sắc; từ 25 - 35 là giai đoạn tài năng ở “độ chín”; từ trên 35 - 45 là giai đoạn “xế chiều”. Quy định tuổi nghỉ hưu 55-60 và tuổi tinh giản biên chế phải đủ 55 - 58 hoặc trên 58 đến dưới 60 đối với nam, đủ 50 - 53 hoặc trên 53 đến dưới 55 đối với nữ, đủ 20 năm trở lên đóng bảo hiểm xã hội như hiện nay khiến cho người già dừng lại, mòn mỏi chờ hưu mà trẻ thì không có suất để vào biên chế. Đội ngũ nghệ sĩ đang già hóa trầm trọng, lớp kế cận lại rất khó kiếm tìm. Chưa kể các đơn vị muốn tuyển dụng nghệ sĩ trẻ thì phải tự chi trả bằng kinh phí từ doanh thu thấp của đơn vị khiến nhiều bạn đành bỏ việc.

Ba là, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật sửa đổi bổ sung của Luật Giáo dục nghề nghiệp đẩy các trường cao đẳng và trung cấp văn hóa nghệ thuật sang cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, được coi như trường nghề đào tạo ngắn hạn 18 tháng, trong khi những tài năng văn hóa nghệ thuật đều phải tìm kiếm, ươm mầm từ rất nhỏ. Bốn là, cơ chế tự chủ đầy mâu thuẫn, áp dụng với tất cả các ngành, đơn vị sự nghiệp.

Thay vì được Nhà nước rót kinh phí cho hoạt động thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ chính trị, chủ trương đặt hàng với mong muốn giảm gánh nặng ngân sách, tăng tính tự chủ lại khiến việc đầu tư tốn kém hơn mà chất lượng tác phẩm lại không bằng mô hình cũ. Việc yêu cầu tác phẩm đặt hàng phải gánh vác cùng lúc bốn mục tiêu: giải phẫu những vấn đề xã hội - phục vụ nhiệm vụ chính trị - bảo tồn và phát huy giá trị di sản - doanh thu bán vé tốt là không khả thi. Việc cần làm là phân chia rành mạch tự chủ cái gì, không nên quy định chồng chéo lẫn lộn về chức năng nhiệm vụ.

Năm là, chính sách đầu tư cho nghệ sĩ trẻ đi học tập tại nước ngoài chưa thực sự hiệu quả. Người đủ tiêu chuẩn lại yếu ngoại ngữ, nguồn diễn viên là chủ đạo trong khi đội ngũ tác giả lại quá ít. Sáu là, việc sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập, chỉ giữ lại một đoàn truyền thống tiêu biểu của địa phương, hợp nhất trung tâm văn hoá và đoàn nghệ thuật cấp tỉnh thành một đầu mối chưa phù hợp, đã dẫn đến tình trạng: xáo trộn về nhân sự; bất ổn về tâm lý nghệ sĩ; hoạt động bị nghiệp dư hóa; kịch nói bị xóa bỏ, thu hẹp; mất mát đội ngũ kế cận.

Từ quan sát thực tế đó, mọi bất cập tồn tại đều có nguyên nhân cốt lõi từ suy nghĩ không xếp văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù mà đánh đồng với mọi ngành nghề khác trong xã hội. Để xây dựng nội dung Nghị định cần đổi mới tư duy gắn với tính chất đặc thù đó, phải gắn chặt với xu hướng chung và có tầm nhìn xa trông rộng, dự báo được cả hướng phát triển tương lai ở cả trong và ngoài nước. Thay vì chỉ đóng khung trong những cuộc họp bàn thảo của bộ, ngành liên quan, trước tiên hãy bắt đầu từ việc tham khảo kinh nghiệm đúc kết từ các quốc gia phát triển. Học hỏi, tiếp thu sẽ giúp chúng ta tận dụng được ưu thế “đi tắt đón đầu” của người đi sau.

Diễn viên, NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam:

“Yêu nghề, nghề không phụ”

Báo giới đã nhiều lần bày tỏ nỗi xót xa, khi chế độ, chính sách đãi ngộ cho diễn viên xiếc còn nhiều bất cập, khiến họ phải chịu cảnh thiệt thòi, không thể toàn tâm toàn ý sáng tạo tác phẩm chất lượng. Lắng nghe những tâm tư đó, cơ quan quản lý cũng đã có những động thái thay đổi mà nỗ lực xây dựng Nghị định kể trên là một dấu hiệu tích cực. Tôi rất hiểu, sự thay đổi toàn diện không thể là câu chuyện ngày một ngày hai nên thay vì chỉ thụ động ngồi chờ, tôi chọn cách tích cực hơn là hành động.

Đối mặt với thực trạng tuổi nghề ngắn ngủi, sau khi nghỉ diễn luôn gặp khó khăn trong chuyển đổi công việc, tôi động viên các bạn trẻ, cố gắng có được một tấm bằng chuyên môn ngoài xiếc để chuẩn bị sẵn cho tương lai phải lui về hậu trường. Đối mặt với nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công chúng hôm nay, tôi khuyến khích anh em đừng dừng lại ở mức công nhân nghệ thuật mà phải liên tục trau dồi kiến thức, mở rộng kỹ năng ở các loại hình phụ trợ vì càng đa năng, đa tài thì cơ hội tham gia chương trình càng đa dạng, thu nhập sẽ được bảo đảm.

Đối mặt với thực trạng mức lương thấp, lãnh đạo Liên đoàn nỗ lực sáng tạo những chương trình xiếc mới hướng tới chủ đề đặc biệt nhằm tăng buổi diễn, tạo điều kiện tăng thu nhập cho anh em. Đối mặt cái nhìn bi quan về tương lai ngành xiếc, tôi truyền ngọn lửa yêu nghề cho thế hệ trẻ, rằng “yêu nghề, nghề không phụ”. Tôi mang chính cuộc đời tận hiến cho nghề của mình ra làm tấm gương, để các bạn nhận ra, nếu dồn hết tâm sức tài lực cho nghề thì trái ngọt thành công sẽ đến.

“Chảy máu chất xám” là vấn nạn mà Liên đoàn thường xuyên phải đối mặt. Giữ chân người lao động bằng thu nhập là điều bất khả, vì chẳng thể chạy đua với mức lương hơn 20 triệu đồng mà các đơn vị tư nhân sẵn sàng chi trả. Để hóa giải hiện trạng này, tôi cố gắng hết sức để biến Liên đoàn trở thành bệ phóng hữu hiệu giúp những tài năng xiếc có thể tỏa sáng, vươn ra ngoài biên giới bằng cách dàn dựng những tiết mục ấn tượng, tạo điều kiện tối đa cho nghệ sĩ tham gia các Liên hoan xiếc quốc tế và giành giải. Được vinh danh trên nơi đấu trường quốc tế sẽ là tiền đề để họ có thể lưu diễn nước ngoài, nhận thù lao xứng đáng cho bản thân, đóng góp một phần để cơ quan sử dụng hỗ trợ chi trả cho đội ngũ diễn viên hợp đồng, như một vòng tuần hoàn đầy khích lệ.

Ca sĩ opera, NSƯT Vành Khuyên, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam:

“Cần có chế độ ưu đãi cho những tài năng biểu diễn đặc biệt”

Tôi đã có tròn hai thập kỷ năm gắn bó với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Là giọng soprano từng đảm nhiệm vai trò soloist trong nhiều vở opera kinh điển, từng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2011, được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2016 nhưng mức lương hiện tại của tôi, cộng cả khoản phụ cấp ưu đãi nghề 20% và thanh sắc 0,3% cũng chỉ xấp xỉ 6,5 triệu đồng mỗi tháng. Tính thêm thù lao tập luyện (60-80 nghìn đồng/ buổi) và biểu diễn (180 nghìn đồng/buổi) khá khiêm tốn cho vị trí cao nhất - soloist (nếu hát hợp xướng chỉ nhận lần lượt 50 và 120 nghìn đồng), tổng thu nhập cho một giọng ca opera như tôi chỉ xấp xỉ 8 triệu đồng. Hàng trăm con người dành 4-5 tháng khổ luyện để cho ra đời một vở nhạc kịch nhưng chỉ có thể biểu diễn một vài buổi rồi “cất kho”. Với chúng tôi, đó là sự lãng phí tuổi trẻ và tài năng, thật sự đau xót.

Opera là loại hình nghệ thuật hàn lâm, rất kén khán giả nên số suất diễn trung bình mỗi năm của Nhà hát chỉ hơn chục buổi. Tuổi nghề của nghệ sĩ soloist chỉ khoảng 45-50. Tuổi ấy, ở nước ngoài đang là độ chín thì ở ta đã quá già, đặc biệt là với tâm lý chung thích diễn viên trẻ đẹp. Vào Nhà hát với lương khởi điểm hệ trung cấp, dù có bằng đại học, đến giờ tôi vẫn là diễn viên hạng III. Để trang trải cuộc sống và lo toan cho gia đình nhỏ, tôi chọn thu thanh ca khúc, đi dạy thêm bên ngoài, không nhiều tiền nhưng gần gũi với đam mê một đời theo đuổi. May hơn xiếc - múa, tôi vẫn còn có thể duy trì công việc hát hợp xướng cho tới tận tuổi hưu bởi sau khi rời sàn diễn, không phải ai cũng có thể chuyển ngạch đào tạo, giảng dạy. Kể lể dông dài không phải để kêu ca, chỉ là giúp công chúng mường tượng, một nghệ sĩ có đôi chút thành công như tôi mà gánh nặng mưu sinh còn đè nặng trên vai như thế thì những đồng nghiệp trẻ, chưa được vào biên chế, ký hợp đồng ngắn hạn, không có bảo hiểm còn vất vả tới đâu.

Những giọng ca opera chiếm tỷ lệ phần trăm rất ít trong số nghệ sĩ trưởng thành từ cái nôi khoa thanh nhạc. Vì không chỉ cần chất giọng, opera đòi hỏi khả năng diễn xuất cùng kỹ thuật tái hiện câu chuyện theo niêm luật cổ điển phức tạp. Đạt đến tài năng như những tên tuổi mà tôi biết (như các NSND Trần Hiếu - Quốc Hưng, các NSƯT Trần Mai Tuyết - Hà Phạm Thăng Long hay nghệ sĩ trẻ Đào Tố Loan...) là rất hiếm, nhiều năm mới có được một người. Vậy mà khi ra nghề, mức lương được xếp “chung một rọ”, chẳng khác gì nhau. Nghệ sĩ cống hiến một đời, lương hưu cao lắm chỉ đến mức 4-5 triệu đồng. Đó là sự cào bằng rất bất hợp lý. Nghệ thuật đòi hỏi tài năng xuất chúng, nếu những viên kim cương quý giá ấy không có chế độ đãi ngộ, khuyến khích đặc biệt thì thật bất công. Đó cũng là nội dung mà tôi mong muốn sẽ được đưa vào Nghị định tương lai, mong lắm.